ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 2753

  • Tổng 1.528.059

Người Nguồn mừng Tết Độc lập và giỗ Bác

Xem với cỡ chữ : A- A A+
  Cứ mỗi dịp mừng Quốc khánh 2-9 là người Nguồn ở huyện Minh Hoá lại làm mâm cơm cúng mừng Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ. Mâm cơm nhiều khi không phải là những thứ sơn hào hải vị nhưng luôn thể hiện tấm lòng thành kính của người Nguồn đối với Bác.

Các cụ cao niên ở huyện Minh Hóa kể lại rằng: trước đây, người Nguồn cũng ăn rằm tháng bảy như các nơi. Nhưng sau ngày 2-9-1945, những chức sắc trong huyện bàn bạc với nhau và quyết định không ăn rằm tháng bảy nữa mà chuyển sang ăn mừng Tết Độc lập.

Từ đó, ngày này trở thành một lễ hội lớn của toàn huyện đến bây giờ. Tết Độc lập ở đây gồm có phần lễ và phần hội. Trong lễ mừng Tết Độc lập của người Nguồn thường có một mâm cơm và đĩa ngũ quả đặt lên bàn thờ. Người cúng chắp tay vái ba cái rồi trân trọng kính mời tiên tổ và những người đã khuất trong gia đình về ăn mừng Tết Độc lập và phù hộ cho con cháu sức khỏe, làm ăn phát đạt. Phần hội thường tổ chức những trò chơi dân gian như đánh đu, giao lưu văn hóa, văn nghệ, đi thăm nhà nhau.

Tuy nhiên, những năm đó, đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, lại bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy, Tết Độc lập cũng không được tổ chức lớn, thậm chí có những lúc bị gián đoạn.

Sau năm 1954, Tết Độc lập của người Nguồn được tổ chức ngày càng long trọng. Ông Trương Đình Huê, (71 tuổi) ở xã Minh Hóa nhớ lại: Ngày mùng 2-9-1954, người Nguồn ở tổng Kim Linh gồm: Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn đã tổ chức đón Tết Độc lập rất linh đình. Hàng ngàn người dân đã tập trung đến thôn Bình Minh, xã Trung Hóa dự lễ.

Tại đây đã diễn ra cuộc tổng duyệt binh của dân quân, du kích và bắn một loạt đạn bằng súng trường. Trong ngày đó, chọn ra người có uy tín nhất vùng đứng lên trước muôn dân đọc lại bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động phong trào thi đua yêu nước. Lễ được tổ chức xong, dòng người kéo về xã Tân Hóa cỗ vũ cho giải đua thuyền, đánh đu, ném xoang...

Đêm đến, hàng ngàn người vây quanh đống lửa xem biểu diễn văn nghệ... Cũng từ năm đó, nhiều người Nguồn bắt đầu đón Tết Độc lập 3 ngày như Tết Nguyên đán. Dịp này, con cháu người Nguồn ai đi xa cũng gắng về nhà sum vầy. Ngày mùng Một đến là ba bốn gia đình chung nhau mổ một con lợn. Nhà nhà gói bánh, sửa soạn chuẩn bị mâm cơm cúng mừng.

Khoảng 10 năm sau, mặc dù phải chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nhưng Tết Độc lập của người Nguồn vẫn được duy trì thường xuyên. Năm 1969, khi người dân đang vui Tết Độc lập thì nghe hung tin Bác mất. Để tỏ lòng tiếc thương Người, mọi làng quê, hợp tác xã, thôn xóm của người Nguồn đều lập bàn thờ, để tang Bác đúng 10 ngày đêm và thường xuyên hương khói.

Từ đó đến nay, cứ vào dịp Quốc khánh 2-9, người Nguồn ở Minh Hóa cũng bày mâm cơm để cúng mừng Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ. Trên mâm cơm đó có đầy đủ bánh chưng, bánh rò, thịt lợn, thịt trâu, hoa quả... Nếu nhà nào không đủ điều kiện, hợp tác xã sẽ cho mượn thóc về giã lấy gạo gói bánh. Có nơi còn làm cả con trâu, vài con lợn cho dân về cúng lễ.

Lễ cúng mừng Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ của người Nguồn được thể hiện một cách trang trọng. Cụ Cao Xuân Diệu (80 tuổi) ở xã Tân Hoá cho biết: "Năm nào cũng thế, cứ đến Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ là gia đình tôi cũng soạn cơm canh, bánh chưng, hoa quả... để cúng mời tiên tổ, ông bà và Bác Hồ về ăn với con cháu. Trong lễ cúng, còn nói lên lòng biết ơn công lao trời biển của Người đối với dân tộc".

Lễ cúng tại các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn thường được tổ chức vào ngày mùng 1-9. Làm lễ xong, người dân ở các xã này tổ chức đi chơi và ăn uống 3 ngày ba đêm như Tết Nguyên đán. Sau lễ cúng, người ta tổ chức mời chùm và ăn chùm, nghĩa là anh em, bà con, xóm làng, thông gia mỗi nhà làm một bữa rồi mời nhau. Hôm nay nhà này mời, hôm sau nhà khác mời. Trong dịp này, mọi người còn tham gia các trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Cho đến bây giờ, người Nguồn ở Minh Hóa vẫn tiếp tục duy trì mâm cơm mừng Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ. Đó là một nét đẹp truyền thống cần lưu giữ.

                                                                                                                                                                                                                   Theo: baoquangbinh

Các tin khác