ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 2561

  • Tổng 1.525.100

Văn hóa rượu cần của người Khùa

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Tộc người Khùa, thuộc nhóm dân tộc Bru Vân Kiều sống rải rác lưng chừng núi ở các xã Dân Hóa, Trọng Hóa của huyện Minh Hóa. Họ vẫn gìn giữ bảo lưu các giá trị bản sắc văn hóa vật chất, tinh thần rất phong phú. Những truyền thống và mỹ tục trong các lễ hội, lễ cưới, ma chay được duy trì qua hơn trăm năm.
 

Nói về lễ hội truyền thống của người Khùa phải kể đến lễ buộc chỉ cổ tay vào những tháng đầu năm mới, lễ trỉa hạt vào tháng 4,5 của năm và lễ mừng cơm mới vào tháng 10 âm lịch. Trong lễ cưới, tộc người Khùa thường tổ chức 3 lần, lễ ma chay cúng người chết cúng một lần. Tất cả những lễ này, tộc người Khùa đều tổ chức uống rượu cần.

Ở lễ buộc chỉ cổ tay, người Khùa ước nguyện cho mọi người trong gia đình luôn khỏe mạnh, may mắn; đối với khách đến dự lễ là để kết thân tình bằng hữu, ghi nhớ đến ông bà tổ tiên. Chúng tôi có đến bản Tà Leeng, xã Dân Hóa chứng kiến sự hiếu khách của gia đình ông Hồ Buôi A trong lễ buộc chỉ cổ tay. Theo ông, phong tục này đã có từ rất lâu đời. Và năm nay như thường lệ, đầu năm mới gia đình ông lại tiến hành làm lễ cầu an.

Trong buổi lễ có mâm xôi, trầu cau (tarui palu capul), rượu cần (Trui ngoat plong) hai hũ, thịt gà, thịt heo và nến (đăng), hai đọt chè, thanh kiếm và quả trứng. Ngoài ra còn có một mâm làm hình tháp chóp bằng bẹ chuối tươi kết thành hình ô vuông. Trên mâm có cắt các hình nhân và buộc những sợi chỉ để khi làm lễ người muốn cầu an phải nắm vào sợi chỉ nối với người âm bằng những hình nhân đó. Thầy mo bắt đầu cúng, buổi lễ diễn ra trong 2-3 tiếng. Lời cúng của thầy nhằm cầu chúc cho gia chủ và khách đến tham dự lễ một năm an lành, sức khỏe (bành xuôi), đi đường không gặp nạn... Loại chỉ dùng buộc ở tay được xe bằng chỉ đen trắng. 

Người Khùa thường uống rượu cần trong các lễ hội.
Người Khùa thường uống rượu cần trong các lễ hội.

Sau khi làm lễ buộc cho gia chủ xong thì buộc cho khách nếu có nhu cầu kết tình bằng hữu. Sau khi khách đã được buộc, khách và chủ đã trở thành bạn bè (xiều cà lơ). Trong quá trình làm lễ đó là những cuộc vui uống rượu cần.

Rượu cần này do bà con tự làm, là loại rượu được ủ bằng loại men do đồng bào làm mà không qua chưng cất. Rượu cần là thức uống quý bà con dùng trong các lễ tế thần linh, trong các ngày hội của làng, dùng đãi khách... Theo ông Hồ Buôi (86 tuổi) thì để làm được thứ men này, gia chủ phải vào rừng hái các loại lá, rễ cây rừng, vỏ rễ cây rừng có tinh dầu đưa về giã, nấu lên lấy nước thuốc trộn với bột gạo nếp, tẻ (hoặc sắn, ngô, kê, hạt ý dĩ, bo bo), sau vê thành viên to bằng chiếc bát ăn cơm. Mỗi loại có một hương vị riêng nhưng ngon nhất là nếp cẩm. Chỉ có phụ nữ mới được đi hái các loại rễ này. Trước khi đi hái, người đó phải kiêng ngày có tháng của phụ nữ, không ăn chua quá, không ăn đồ tanh, đồ hôi thối mà phải ăn đồ ngọt như chuối, mật ong, hoa quả thơm...

Theo đồng bào, như thế mới làm ra được loại men thơm để ủ rượu cần. Sau khi có men, gia đình nấu cơm nếp hoặc tẻ, trải ra nong nia cho nguội, giã mịn men trộn với cơm, đưa vào ủ 10-15 ngày. Một mẻ rượu cần chỉ cần 1-2 viên men. Nếu là gạo nếp thì phải hông lên, để nguội rồi trộn với men. Đối với sắn thì phải bóc vỏ ngâm ở suối 3 ngày cho hết độc tố. Khi trộn xong cho vào thúng hoặc đồ đựng để ủ khoảng một tuần nghe mùi thơm đem trộn với trấu đã rửa sạch phơi khô và cho vào ché, hũ lấy lá chuối rừng bịt kín. Ủ khoảng 25- 30 ngày là uống được. Nếu muốn rượu ngon hơn thì đưa chôn vào đất khoảng 3 tháng. Nước để chêm vào uống được lấy ở suối đầu nguồn.

Khi uống, nước được đựng trong quả bầu khô hoặc ống bằng tre nứa, chêm vào hũ bằng một chiếc sừng trâu đã cưa đục ngang hông. Trong lễ hội, cả chủ và khách cùng mở ché rượu sau lời đọc khấn của thầy mo cầu chúc cho gia chủ và khách sức khỏe may mắn. Chủ nhà uống trước và mời khách. Khách đỡ lấy cần cùng uống với gia chủ và nói lời cảm ơn (xạ thủ).

Uống rượu cần được xem là nét đẹp văn hóa mà ở đó tất cả mọi người uống đều không phân biệt đẳng cấp. Nó phản ánh tinh thần cộng đồng và là vật hiến tế thần linh, họ cho rằng trời là đấng tối cao ban cho họ sức khỏe và những thuần phong, mỹ tục. Để có ché,  hũ rượu ngon, phải hội đủ hương vị ngọt, đắng, khi uống vào có cảm giác nồng ấm, sảng khoái, vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Rượu cần thơm ngon, mát bổ vì được làm từ những loại lá, rễ cây có tinh dầu như gừng, riềng, một số loại thuốc nam... là một loại đồ uống quý mà người Khùa dùng để hiến tế thần linh.

Rượu cần là nét sinh hoạt văn hóa đẹp chỉ có trong lễ hội và các lễ thức của người Khùa, dùng tiếp đãi bạn bè đặt trong không gian trang trọng của ngôi nhà bên bếp lửa bập bùng. Khách và chủ cùng quây quần nhảy múa, hát, thổi khèn bè, một số người ngồi xếp vòng tròn vít cong cần bằng ống nứa nhỏ xuyên lổ hút rượu. Đây chính là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và bản sắc văn hóa đã được người Khùa gìn giữ bao đời.

Văn hóa rượu cần là sợi dây liên kết cộng đồng, trở thành một phương diện văn hoá có sức sống lâu bền trong đời sống của đồng bào, là hình thức biểu lộ tình cảm của người Khùa và mang ý nghĩa truyền thống.

Trần Thị Diệu Hồng

Các tin khác