ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 586

  • Tổng 1.506.893

Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2011 - 2015 huyện Minh Hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tập trung thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí thương mại của Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tiếp tục quan tâm phát triển công nghiệp; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, chú trọng chất lượng cây trồng vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng của nông, lâm sản. Hoàn thành giao đất, giao rừng cho hộ gia đình; chuyển đổi và phân bố lại cơ cấu lao động, đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn dưới 60%, đưa số lao động nông thôn trong độ tuổi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề trên 40%;

A- MỤC TIÊU TỔNG QUÁT: 

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn thời kỳ 2006 - 2010 trên cơ sở tập trung và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là các nguồn lực từ cơ chế, chính sách theo mục tiêu Nghị quyết 30a của Chính phủ và các chương trình dự án khác để phát triển kinh tế - xã hội đưa huyện nhà thoát nghèo nhanh, bền vững; đồng thời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo sự chuyển biến nhanh và ổn định hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người dân; chú trọng đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên cơ sở tận dụng và phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, có chính sách hỗ trợ để phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tập thể và trang trại, tập trung đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, nhất là cây cao su. Tăng cường việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế với các địa phương của CHDCND Lào và vùng Đông Bắc của Thái Lan. Gắn chỉ tiêu tăng trưởng với chỉ tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng. nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đưa Minh Hóa thoát nghèo nhanh, phát triển bền vững.     

B. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU: 

- Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 14 - 15%, đến năm 2015 đạt 310 - 330 tỷ đồng. 

Trong đó: + Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hàng năm 13,5 - 13,8%, đến năm 2015 đạt 115 - 120 tỷ đồng;

                + Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN - xây dựng tăng bình quân hàng năm 14,5 - 15%, đến năm 2015 đạt 85 - 90 tỷ đồng;

               + Giá trị thương mại - dịch vụ tăng bình quân hàng năm 15 - 16,5%, đến năm 2015 đạt 110 - 115 tỷ đồng;  ;

- Tổng sản lượng lương thực: 11.403 tấn; 

- Thu ngân sách trên địa bàn: 14,5 - 15 tỷ đồng; 

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ngang mức trung bình của tỉnh, phấn đấu giảm bình quân hàng năm 5 - 6% trong giai đoạn 2010 - 2015;

- Thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng đến 13,5 triệu đồng vào năm 2015 (theo mức dự kiến tốc độ tăng bình quân của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2010 - 2015). 

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tập trung thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế về vị trí thương mại của Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tiếp tục quan tâm phát triển công nghiệp; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, chú trọng chất lượng cây trồng vật nuôi và nâng cao giá trị gia tăng của nông, lâm sản. Hoàn thành giao đất, giao rừng cho hộ gia đình; chuyển đổi và phân bố lại cơ cấu lao động, đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn dưới 60%, đưa số lao động nông thôn trong độ tuổi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề trên 40%; 

Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, đảm bảo đến 2015 có 1.000 ha đạt giá trị 30 - 50 triệu đồng/ha/năm. 

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đảm bảo đến năm 2015 đưa tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp lên 60%, nâng tổng đàn trâu bò lên khoảng 29.200 con, đàn lợn đạt trên 28.000 con; đẩy mạnh trồng rừng tập trung trên cơ sở sử dụng kịp thời, có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương theo cơ chế, chính sách đặc thù đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, đẩy mạnh việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, nhất là việc trồng, phát triển cây cao su, phấn đấu đến năm 2015 đạt tổng diện tích trên 1.102 ha; 

Đảm bảo cơ bản đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết là hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích đất lúa có thể trồng hai vụ, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp; đảm bảo giao thông suốt bốn mùa tới trung tâm các xã; đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt ổn định cho hầu hết dân cư;

Cải thiện các điều kiện học tập và chữa bệnh của nhân dân, quan tâm đến sinh hoạt văn hóa tinh thần và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2015 có 95 -100 % số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, huyện đạt chuẩn phổ cập bậc trung học và có ít nhất 17 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi bình quân các cấp học: 98%, tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 85%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 10‰.

C.  NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CƠ BẢN:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước đột phá mới về chất nhằm nâng cao vai trò hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tiếp tục đổi mới nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện kế hoạch; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và khó khăn của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các tổ chức chính trị xã hội, các ngành, các cấp từ huyện đến xã. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và đạt hiệu quả, cần có sự nhất quán, đồng thuận cao; sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị liên quan và sự tham gia đầy đủ, tích cực của người dân từ khâu lập kế hoạch, triển khai công việc, giám sát cho đến khi hoàn thành, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước, tăng cường giám sát cộng đồng, triển khai quyết liệt có hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

Tăng cường hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình Xóa đói giảm nghèo - Giải quyết việc làm, nhất là tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Tổ chức biểu dương rộng rãi trong cộng đồng những điển hình làm ăn giỏi, vươn lên thoát nghèo; tuyên truyền vận động người dân, đặc biệt đối với lớp trẻ tầm quan trọng của học tập văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và hiểu biết xã hội là những phương tiện cơ bản, cần thiết, là vốn quý phục vụ cho sản xuất cũng như nếp sống mới.

2. Đối với công tác cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực: 

Tập trung rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, đặc biệt chú trọng đánh giá tính hợp lý của việc bố trí và chất lượng cán bộ. Trên cơ sở đó, nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại lực lượng cán bộ hiện có cho phù hợp với nhiệm vụ mới; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho bộ phận cán bộ có trình độ, năng lực còn hạn chế; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ cấp xã, cán bộ thôn, bản. Thanh lọc, tuyển chọn lại để thay thế bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực yếu kém. 

Có chính sách ưu đãi và dành một khoản ngân sách thỏa đáng để đào tạo cán bộ cấp xã, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Có chính sách thu hút cán bộ, công chức, chuyên gia các lĩnh vực và sinh viên giỏi về công tác ở huyện, các xã trong huyện; xây dựng chính sách đãi ngộ, phụ cấp, bổ nhiệm, phù hợp đối với cán bộ tăng cường, luân chuyển về cơ sở.

Tăng cường cán bộ về cơ sở; tích cực bám dân, vận động nhân dân tham gia vào chương trình, bắt tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất thiết thực, mang lại hiệu quả cho từng hộ dân và cộng đồng. xem xét việc hình thành mô hình tổ chức các hợp tác xã để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của chương trình nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xây dựng Trung tâm qui hoạch sự nghiệp tổng hợp để thu hút đội ngũ khoa học làm công tác tư vấn về qui hoạch, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp..vv.

3. Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch:

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch có tầm nhìn chiến lược, tránh tình trạng chồng chéo. Triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020. thực hiện nghiêm túc và quản lý chặt chẽ các quy hoạch đã được phê duyệt. Tập trung khẩn trương bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các thị trấn, thị tứ; khẩn trương triển khai quy hoạch các cụm điểm CN - TTCN và các làng nghề để tạo cơ sở cho việc huy động nguồn lực thúc đẩy sản xuất CN - TTCN; đồng thời tiến hành quy hoạch xây dựng các bãi xử lý chất thải rắn và rác thải. Đặc biệt chú trọng và khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch điểm dân cư, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phối hợp với các Chương trình bảo vệ biên giới đất liền để quy hoạch bố trí dân cư ở vùng biên giới, đồng thời đảm bảo được đời sống sản xuất, văn hóa tinh thần cho đồng bào.

4. Thúc đẩy sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật:

Chú trọng tìm kiếm, thử nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đẩy mạnh việc triển khai hai chương trình kinh tế trọng điểm của huyện là trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi; thúc đẩy các ngành nghề sản xuất mũi nhọn, như: Trồng rừng nguyên liệu; chế biến nông, lâm sản; chăn nuôi, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ.

Thực hiện hình thức chuyển giao công nghệ bằng các hợp đồng đặt hàng, công trình khoa học kỹ thuật và công nghệ; đấu thầu nghiên cứu, các dịch vụ tư vấn khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất. Áp dụng các hình thức biểu dương khen thưởng, trích tỷ lệ lợi nhuận cho các nhà khoa học, đội ngũ trí thức và các đối tượng có công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và phục vụ đời sống. Tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giao công nghệ, giám định công nghệ, chất lượng và đánh giá tác động môi trường. 

* Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 

Tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư phát triển các cây chủ lực phù hợp với điều kiện của huyện, như: Ngô, lạc, cây cao su và các loại rau màu khác. Kiên quyết thu hồi diện tích đất đã cấp cho các hộ gia đình nhưng không sử dụng để hoang hóa…Giao đất sản xuất với diện tích lớn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực sự có năng lực để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế; ưu tiên diện tích đất đồi có khả năng trồng cây cao su sang trồng cây cao su; tăng diện tích đất sản xuất, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn để từng bước đảm bảo an ninh lương thực; tăng cường đầu tư, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung; phát triển các trang trại kinh tế tổng hợp… Đưa chăn nuôi lên chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ. Chủ động công tác tưới tiêu, công tác phòng cháy, chữa cháy, hạn chế tác động của thiên tai.

Tận dụng các ao hồ, mặt nước để nuôi cá. Nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện và các hình thức hủy diệt hàng loạt khác để đánh bắt thủy sản; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở, các trung tâm sản xuất giống và chế biến thức ăn gia súc.

Xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống; xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí; bài trừ mê tín dị đoan, ngăn chặn việc truyền đạo trái pháp luật; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tiến hành khảo sát, lập đề án quy hoạch xây dựng một số cụm bản, một số vùng, khu dân cư mới để giãn dân dọc biên giới theo hướng tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất, lưu thông hàng hoá, phát triển các dịch vụ về điện, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục…Ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Di dời một bộ phận dân cư ở các nơi vùng thấp, có nguy cơ lũ quét, sạt lở, vùng thường xuyên bị ngập lụt đến nơi đảm bảo, thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng và phát huy tinh thần đoàn kết, tình nghĩa làng xóm; đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tiếp cận với cái mới, các thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại.

* Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: 

Thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư và chú trọng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Khuyến khích phát triển các ngành mũi nhọn như: Khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác chế biến gỗ; chế biến và sản xuất sản phẩm từ da, chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, chế biến mủ cao su … Đặc biệt quan tâm khôi phục, phát triển các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (như nghề đan lát hàng mây tre), một mặt tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con, đồng thời góp phần lưu giữ, bảo tồn tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. 

Tạo điều kiện và phối hợp tốt với đơn vị triển khai Dự án Thủy điện La Trọng nhằm sớm đưa Nhà máy Thủy điện La Trọng vào vận hành. Căn cứ vào quy hoạch có kế hoạch lập các dự án xây dựng và kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất TTCN và sản xuất công nghiệp ở các điểm: Hồng Hóa, Hóa Tiến, Y Leeng và Bãi Dinh theo quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch của các cụm điểm CN - TTCN và làng nghề, bố trí đủ ngân sách để xây dựng mặt bằng đảm bảo đủ các điều kiện về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc thuận lợi; kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương mở các cơ sở sản xuất CN - TTCN và ngành nghề nông thôn.

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa và công khai hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về đất đai, đầu tư để giảm phiền hà cho các doanh nghiệp, linh hoạt để hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cho các doanh nghiệp.

* Về thương mại và dịch vụ: 

Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển dịch vụ thương mại, lưu thông hàng hóa và du lịch, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp địa phương mở mang kinh doanh đa ngành nghề nhằm thu hút lao động tại chỗ. 

Đẩy mạnh phát triển mạng lưới thương mại ở các trung tâm cụm xã và các chợ xã, mở rộng thị trường buôn bán tiêu thụ các sản phẩm địa phương. Tăng cường tuyên truyền, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp về thương mại, xuất nhập khẩu, vận tải để khai thác lợi thế thương mại tại khu KTCK Quốc tế Cha Lo và Khu Trung chuyển hàng hóa ở Bãi Dinh; tổ chức thị trường có sự kết hợp chặt chẽ với chính sách bảo trợ, bảo hiểm sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh. Tạo điều kiện phát triển tích cực kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại. Chú trọng việc hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các doanh nghiệp thương mại.

Thành lập Ban Quản lý Di tích - Danh thắng các hang động ở Tân Hóa đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu. Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch tham quan quần thể hang động. Kêu gọi các nhà đầu tư thiết lập tuyến du lịch từ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể hang động tại xã Tân Hóa, các địa danh lịch sử: Ngầm Rinh, ngã ba Khe Ve, Đình Kim Bảng, Bãi Dinh, Cổng Trời Cha Lo… danh lam thắng cảnh: Thác Mơ, Thác Bụt, núi Giăng Màn, khu hang động Cha Lo, du lịch trở về chiến trường xưa như các địa danh lịch sử… Đồng thời hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, các dịch vụ ăn nghỉ phục vụ du lịch để tăng nguồn thu từ du lịch. Chuẩn bị đón đầu tuyến du lịch Đông Tây thông qua Quốc lộ 12A, Cửa khẩu Cha Lo từ Thái Lan, Lào sang Việt Nam. Huy động các nguồn vốn đầu tư vào các dự án bằng hình thức lập các dự án kêu gọi thu hút đầu tư. 

* Về Giáo dục - Đào tạo:

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu CNH - HĐH, chú trọng chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Tiếp tục đầu tư tăng cường CSVC, hệ thống trường lớp, ưu tiên xây dựng trường bán trú ở hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa, mở các lớp học bán trú dân nuôi tại các cụm thuộc các xã Thượng Hóa và Hóa Sơn. Phát huy vai trò các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp của huyện.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đào tạo cán bộ xã, thôn để tham quan học tập kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản, cán bộ cắm bản; tập huấn chính sách, nâng cao năng lực cho đồng bào dân tộc thiểu số…Chính sách thu hút sinh viên ra trường bố trí biên chế hợp đồng dự phòng về công tác tại huyện.

Thực hiện tốt chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thu hút lao động và tổ chức đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ thuật lao động cho lực lượng lao động trong huyện, ưu tiên đào tạo giáo viên là người dân tộc ít người ở tất cả các cấp phổ thông để phục vụ trở lại cho các đồng bào dân tộc ít người trong huyện.

Thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi đối với cán bộ và giáo viên vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người trong huyện.

* Về Y tế:

Nâng cao chất lượng các chương trình quốc gia về y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung cán bộ chuyên môn y tế, có chính sách thu hút, ưu đãi để khuyến khích y, bác sĩ về công tác tuyến xã, đặc biệt là tuyến biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho Quỹ Bảo trợ bệnh người nghèo, kết hợp quân dân y trong chăm sóc sức khỏe.

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và các chương trình y tế khác tại cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

Tiếp tục củng cố và phát triển có hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phát triển mạng lưới tuyên truyền viên đến tận thôn, bản nhằm đưa công tác chăm sóc sức khỏe đến từng hộ gia đình. Thực hiện tốt chương trình quốc gia về dân số - gia đình, đảm bảo nhu cầu thuốc phục vụ công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh.

* Về  văn hóa TT-TDTT:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW5 (Khóa 8) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”

Chú trọng công tác sưu tầm nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện xây dựng mạng lưới thiết chế thông tin văn hóa cấp xã phường và thôn bản, bảo vệ và có kế hoạch tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, duy trì lễ hội truyền thống rằm tháng 3; chú trọng các điểm, các hoạt động vui chơi giải trí, tạo các cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động thể dục thể thao; nghiên cứu đề xuất để tổ chức ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc khu vực tại huyện.

Tạo mọi điều kiện để phát triển văn hóa thông tin cơ sở, có nhiều phương tiện thiết bị truyền thanh, truyền hình, các loại báo, tạp chí và ấn phẩm đảm bảo đời sống tinh thần cho nhân dân và công tác vận động định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Về giảm nghèo, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu lao động:

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình Xóa đói giảm nghèo - Giải quyết việc làm; về cơ chế, chính sách và nội dung hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Chương trình 30a của Chính phủ; cần triển khai các hoạt động cụ thể, sâu sát với tình hình của từng địa bàn, trên cơ sở nhu cầu của người dân, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều chỉnh cơ cấu đào tạo, cân đối giữa đào tạo và sử dụng ở các ngành nghề khác nhau và yêu cầu trình độ khác nhau, đảm bảo nhân lực cho các ngành mũi nhọn của huyện, các chương trình kinh tế trọng điểm, tăng nhanh tỷ lệ đào tạo và đào tạo nghề, phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ lao động nông nhàn và lao động nông nghiệp.

Giao cho Trung tâm Dạy nghề tổng hợp huyện chủ động đào tạo nghề cho lực lượng lao động xã hội đang có nhu cầu rất lớn nhằm tăng nhanh số lượng và chất lượng lao động, chuyển dịch một bộ phận lao động trong nông nghiệp sang các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông lâm sản; đảm bảo dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển của huyện. Tập trung đào tạo lực lượng lao động cho xuất khẩu lao động, đưa chỉ tiêu xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

6. Tăng cường huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư:

Rà soát lại các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn cam kết tài trợ của nước ngoài, coi trọng nguồn tài trợ, đóng góp từ các doanh nghiệp từ đó lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có hiệu quả cho các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. 

Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các chương trình, dự án trên địa bàn huyện, tăng cường việc lồng ghép các chương trình, dự án do huyện làm chủ đầu tư và do các sở, ban, ngành cấp tỉnh làm chủ đầu tư, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư, giảm các thủ tục hành chính cho cấp cơ sở và người dân.

7. Tăng cường hợp tác trong tỉnh và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường:

Tăng cường hợp tác với các huyện lân cận trong tổng thể quy hoạch phát triển các vùng, các ngành của tỉnh để thúc đẩy phát triển du lịch; chế biến nông, lâm sản và thương mại dịch vụ; tránh tình trạng đầu tư tràn lan, chồng chéo, trùng lặp, xác lập sự cân đối cung cầu, tăng cường mối liên kết ngành chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, chú trọng việc hợp tác để khai thác những tiềm năng và lợi thế của Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ bàng.

Phối hợp thúc đẩy đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tại: Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, các khu vực Bãi Dinh, Y Leng, La Trọng, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc, Hồng Hóa theo quy hoạch đã được duyệt. Tăng cường buôn bán, trao đổi hàng hóa, du lịch dịch vụ tại các cụm kinh tế và dân cư tập trung.

Tổ chức tham quan, học tập, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển với Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc của Thái Lan.

 

Nguồn: Nghị quyết số 09/2010/NQ-HĐND ngày 31/12/2010

 


Các tin khác