ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 575

  • Tổng 1.483.187

Đến cao nguyên Minh Hóa chiêm ngưỡng nhà cổ

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Cao nguyên Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) có nhiều tộc người sinh sống quần tụ theo sông suối và bên trong các thung lũng bao quanh bởi núi đá vôi. Mỗi tộc người có một bản sắc riêng, trong đó người Nguồn sở hữu một gia tài văn hóa khác biệt về kiến trúc nhà Pè, nhà vỏ đậu, nhà trái cóc rất lạ mà trong đời phải chạm đến một lần.

Nhà Pè đông ấm, hè mát

Người Nguồn xưa chủ yếu sống trong các căn nhà Pè phù hợp với thổ nhưỡng cũng như tập tính bản địa của họ. Họ ở tại các vùng đất cổ Phôốc Lác, Phôốc Dứa, Lang Cầu, Pắt Nàng, Lang Ni, Lồ Hang...

Các bản này hợp thành tổng Cơ Sa và Kim Linh trên cao nguyên Quy Đạt, huyện lỵ Minh Hóa. Ngày nay, người Nguồn sinh sống ở gần hết 16 xã, thị trấn của huyện và có số dân đông gấp nhiều lần so với những tộc người anh em khác như Rục, Mày, Sách, Khùa, Trì, Thổ, Thái…

Nhà Pè hiện chỉ còn tồn tại rải rác đâu đó trong góc rừng chốn biên giới, bởi người đời sau không muốn ở nữa, nhưng với ông Đinh Xuân Định, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam huyện Minh Hóa, nhà Pè là một trong những nét văn hóa riêng biệt độc đáo.

Ông nói: “Nhà Pè là loại nhà nền đất, toàn bộ cột trồng xuống nền sâu từ 50 - 60cm. Nếu nhà 3 căn (3 gian) thì có 4 vài, còn nhà 2 căn thì có 3 vài. Mỗi vài có 2 cột chái (trước và sau), 2 cột mệ (trước và sau) và 1 cột nóc, cộng páng sa đặt băng ngang, gác lên 2 đòn tay mệ ngay 2 đầu cột mệ. Có 2 mái chính, bên trước và bên sau hình thang cân, mỗi mái có 3 đòn tay; 1 đòn tay trái gác lên đầu các cột mệ, 1 đòn tay chồng 9 chồng 10 gác lên đầu páng sa, sao cho song song với đòn tay mệ, cả 2 mái chung nhau 1 đòn tay doóc 9 nóc, tiếng Nguồn gọi tòn tôông; 2 mái hồi hình tam giác cân ở 2 đầu hồi, mỗi mái có 3 đòn tay: 1 đòn tay chái gác lên cột chái hồi, ở 2 đầu buộc vào 2 đầu đòn tay trái của 2 mái chính, 1 đòn tay dốc buộc vào 2 mái chính, 1 đòn tay mệ buộc vào 2 đòn tay chồng của 2 mái chính”.

Đến cao nguyên Minh Hóa chiêm ngưỡng nhà cổ ảnh 1 Những nét chạm khắc chim phượng ở nhà trái cóc

Theo ông Định, mái nhà lợp lá cọ, tường nhà thưng lá tro. Toàn bộ ngôi nhà dùng dây rừng buộc các đoạn khớp nối cố định với lỗ đục con xỏ, không dùng bất cứ cái đinh nào là sự kỳ tài của kiểu nhà Pè người Nguồn. Ông Định và nhiều cao niên Minh Hóa tâm đắc rằng, nhà Pè truyền thống mùa hè mát, mùa đông ấm, tránh được bão tố. 

Huyền thoại nhà trái cóc

Vùng cao nguyên của người Nguồn sinh sống còn có 1 kiểu nhà lạ lẫm hiếm gặp trong đời, đó là nhà vỏ đậu, trái cóc hay vỏ trấu. Tương truyền, nhà trái cóc dùng cho những gia đình cự phách với lối chạm khắc công phu, đòn tay, rui mè chạm đường cong hình trái cóc, đối xứng nhau.

Nếu nhà của người Kinh dựng 1 gian 2 chái, hoặc 3 gian 2 chái thì nhà của người Nguồn thảo dã lại không dựng chái mà các gian nhà gần như hình vuông 2 đầu họ kéo cái vài dài ra để có không gian sử dụng tốt hơn, rộng rãi hơn, thoáng đãng hơn.

Trên các bức rèm nhà, người ta cho chạm khắc các hình ảnh cây cỏ, chim cá trong vùng với mô típ đơn lẻ và tô phẩm màu chế từ lá rừng. Nhà trái cóc không chạm trổ cầu kỳ như nhà rường miền xuôi, nhưng nhìn vào thấy thanh tao kỳ lạ. Mái nhà lợp ngói hoặc lá cọ, mùa hè, trời nắng bức bối, bước vào bậc nhà trái cóc thấy mát rượi.

Nhà vỏ đậu là một phiên bản khác của nhà trái cóc, dành cho người bình dân lao động. Họ không cầu kỳ trong đẽo gọt các cấu trúc, vì kèo thành hình đối xứng mà chỉ cần cong cong, kiểu vỏ đậu là đạt yêu cầu. Nhà làm hoàn toàn bằng gỗ đẵn từ trên núi đá vôi đưa về, tường nhà gắn bằng các thứ ván bào đẽo cẩn thận. Nền nhà nện bằng lớp đất sét lấy từ ven suối. Nhà vỏ trấu có cấu trúc cầu kỳ hơn, các vì kèo, trính, trến… được đẽo hình vỏ của hạt lúa nên người dân đặt nó là nhà vỏ trấu. 

Tích xưa nói rằng, một đôi vợ chồng nghèo làm lúa rẫy có bông nhưng không kết hạt, họ tuốt về than thở, mất mùa mà không dựng được nhà, ước gì có cái nhà nhỏ để ở khỏi tủi thân. Không ngờ thần núi nghe mà biến những hạt thóc lép thành căn nhà đục đẽo y hệt vỏ trấu, từ đó dân tình nói về cấu trúc nhà vỏ trấu. Theo ông Định, đó là một phần của gia tài văn hóa Nguồn cần được lưu giữ.

Huyền thoại trăm năm vỏ đậu

Cả huyện Minh Hóa ngày nay nhà vỏ đậu hay trái cóc đang biến mất dần, nhường chỗ cho nhà 2-3 tầng hoặc xây cấp 4 kiên cố. Phần vì cửa rừng đã đóng, trữ lượng gỗ tốt nhằm phục vụ dạng nhà truyền thống không đủ nhiều, phần vì sợ mưa bão mà những dạng nhà độc đáo này dần dần thưa thớt. 

Tại vùng rìa thị trấn Quy Đạt, cụ Đinh Thanh Niêm (83 tuổi) dẫn chúng tôi đến thăm nhà cụ Đinh Xuân Hộ, người còn giữ lại căn nhà vỏ đậu. Cụ Hộ năm nay 72 tuổi, cụ là đời thứ 3 thừa hưởng căn nhà vỏ đậu.

“Đến nay, căn nhà đã hơn 100 năm, đây là dạng nhà kết hợp cả 3 loại kiến trúc: vỏ đậu, trái cóc, vỏ trấu. Tất cả đều hài hòa, cân xứng nên cha ông gọi là nhà lận, tiếng bản địa xưa có nghĩa hài hòa. Phần bên trong được làm hình vỏ đậu, bên ngoài bậc thềm ở phần mái chạm 2 bên các thanh đỡ những đường phồng trái cóc cân xứng. Để không bị đơn điệu, thợ mộc xưa còn chạm công phu vân mây, hay những hình thù bản địa khác mà gia chủ lên ý tưởng”.

Theo cụ Niêm: “Đây là căn nhà cực kỳ độc đáo, cả miền Trung không hề có, toàn bộ người Nguồn hiện còn lại căn nhà này duy nhất, bởi phần thượng làm bằng gỗ mun, một loại gỗ cực kỳ quý hiếm, từ đòn tay rui mè, đến vì kèo, trính trến, phần cột bằng gỗ gõ trên núi đá vôi. Xưa căn nhà này có vách bằng ván thưng, nhưng do mưa gió, thời gian, vách ván bị mục nên cụ Hộ dùng gạch vữa xây bao quanh. Căn nhà không dùng bất cứ cái đinh nào để cố định mà dùng mộng gỗ. Nhà lận phần thượng làm mun, hạ làm gõ, chỉ còn duy nhất căn này, các vùng khác trong huyện còn nhà kiểu này nhưng mun thì hoàn toàn không thể có”. 

Chạm vào căn nhà này như chạm vào thế giới câu chuyện bản địa người Nguồn xưa với nhiều hoa văn, truyền thống còn hiển hiện. Dù mạng nhện và bụi thời gian lưu cữu trong căn nhà, nhưng nước đen sọc của dòng gỗ mun xa xưa vẫn còn sáng bóng qua các vì trính, rui mè, đòn tay… Cụ Hộ kể: “Có không ít người từ Đồng Hới lên muốn tôi ra giá bán với hàng tỷ đồng, nhưng tôi không bán, bởi cả cao nguyên Minh Hóa rộng lớn không kiếm đâu ra căn nhà gỗ mun như thế này”.

Một vùng đất khác còn sở hữu nhiều nhà vỏ đậu, trái cóc là xã Hóa Sơn. Vượt eo Lập Cập, vào vùng đất này, còn rất nhiều căn nhà truyền thống lợp ngói, với đầy ắp kiến trúc xưa đẹp đậm chất bản địa.

Hàng chục căn nhà trong một vùng đất thảo dã như thế đang tạo thế cho Hóa Sơn như một bảo tàng thu nhỏ của kiến trúc văn hóa Nguồn cho đến tận ngày nay.

Xa những tráng lệ đô thành, xa những ồn ào náo nhiệt xe cộ, nhà trái cóc, vỏ đậu cứ thế trầm mặc với thời gian trong thung lũng Hóa Sơn. Nơi đây xứng đáng để một lần trong đời tìm đến chiêm ngưỡng, vì nét độc đáo lạ lùng hiếm người biết đến.

MINH PHONG

Các tin khác