ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 853

  • Tổng 2.551.345

Tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Minh Hóa là huyện miền núi có 16 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 14 xã vùng cao, 02 xã miền núi. Tính đến ngày 01/01/2018, Toàn huyện có 12.529 hộ và 52.537 nhân khẩu với 03 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, đó là Kinh, Bru - Vân Kiều, Chứt và một số dân tộc thiểu số khác. Riêng đồng bào dân tộc Chứt có 1.314 hộ với 5.350 khẩu, chiếm khoảng 10,2% dân số của huyện, gồm 04 tộc người Sách, Rục, Mày, A Rem, tập trung sinh sống theo cộng đồng trên địa bàn các xã: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Tiến, Hóa Hợp.

Đồng bào dân tộc Chứt là một trong 16 dân tộc rất ít người trong cả nước có điểm xuất phát thấp cả về kinh tế, đời sống, văn hóa - xã hội, sinh sống tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp như trồng lúa rẫy, sắn, ngô, khoai, các loại đậu... Sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, thu nhập của đồng bào bấp bênh, không ổn định, lương thực tự túc chỉ được từ 3 - 6 tháng/năm, thường xuyên đói trong thời kỳ giáp hạt...

Thực hiện các chương trình đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Minh Hóa, trong đó có đồng bào dân tộc Chứt đã được quan tâm đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn 2013 - 2017 của Chính phủ, đồng bào Chứt đã được hỗ trợ phát triển sản xuất cho 15.084 hộ với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 10 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên 67 tỷ đồng; triển khai 48 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với 1.618 người tham gia, trong đó tập huấn về chăn nuôi 31 lớp cho 696 người, trồng trọt 14 lớp với 600 người và 03 lớp tập huấn về khuyến lâm cho 150 người tham gia; hỗ trợ phổ biến nhân rộng mô hình cho 495 người gồm mô hình về trồng trọt 220 người, chăn nuôi 275 người. Đối với Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Minh Hóa giai đoạn 2008 - 2020 theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (Chương trình 30a), với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ đồng, đồng bào dân tộc Chứt cũng được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, trường, trạm, hỗ trợ sản xuất, học sinh nghèo, cán bộ cắm bản, trợ giúp pháp lý...

Bên cạnh đó, giai đoạn 2013 - 2017, thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, 140.000 lượt người dân tộc Chứt được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, cây lương thực và giống gia súc, gia cầm với trị giá 14 tỷ đồng. Ngoài ra, theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, người Chứt cũng được hỗ trợ nước phân tán, đất sản xuất, đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện là 14,5 tỷ đồng.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc Chứt đã được đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống... Đến nay, 100% xã, thôn đã có điện, trong đó có 06 xã sử dụng điện năng lượng mặt trời do điện lưới chưa kéo đến. Vùng đồng bào dân tộc Chứt cơ bản không có hộ thiếu đất sản xuất, đất ở, địa phương đã bảo đảm được cho bình quân mỗi hộ gia đình có khoảng 1,3 ha đất sản xuất. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi các loại cây lương thực và thực phẩm thiết yếu như lúa, ngô, khoai, trâu, bò lợn, gà... nhiều hộ đồng bào dân tộc Chứt đã phát triển kinh tế rừng, một số hộ phát triển dịch vụ buôn bán, cung ứng, thu mua các sản phẩm nông nghiệp... Những phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống cũng đã được đồng bào xóa bỏ dần. Phong trào xây dựng làng, bản, gia đình văn hóa được người dân tích cực hưởng ứng, hiện tại có 03 bản đạt Bản văn hóa (xã Hóa Sơn có 02 bản Lương Năng và bản Hóa Lương, xã Dân Hóa có 01 bản Bãi Dinh). Tỷ lệ hộ gia đình được xem truyền hình đạt khoảng trên 80%.

Đối với lĩnh vực giáo dục, con em đồng bào Chứt cơ bản được học tập đầy đủ, hệ thống trường, lớp đáp ứng nhu cầu (Huyện Minh Hóa có 01 trường phổ thông dân tộc nội trú và 02 trường phổ thông bán trú). Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp hàng năm đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh đến lớp chuyên cần 95%. Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, vùng đồng bào dân tộc Chứt cơ bản không có tệ nạn xã hội, hoạt động tôn giáo trái phép trên địa bàn.

Công tác cán bộ cũng có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, cán bộ vùng đồng bào dân tộc Chứt đã có sự thay đổi cả về chất và lượng. Hầu hết, đội ngũ lãnh đạo cấp xã, thôn và một số phòng, ban cấp huyện đều có cán bộ, công chức người dân tộc Chứt. Cụ thể, cán bộ, công chức người dân tộc Chứt cấp xã có 19 người, cấp huyện 09 người; viên chức cấp xã 13 người, cấp huyện 05 người; đặc biệt có 18 người tham gia HĐND xã, 01 người tham gia HĐND tỉnh và 01 người là Đại biểu Quốc hội, 09 người tham gia cấp ủy xã.

Có thể thấy rằng, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, đặc biệt là huyện Minh Hóa đã quan tâm chỉ đạo thực hiện hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Chứt nói riêng. Các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời. Đời sống về mọi mặt của đồng bào Chứt trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyến biến đáng kể, các hộ đồng bào đều có đủ đất sản xuất; công tác giao đất, giao rừng cho đồng bào có thu nhập ổn định từ nghề rừng đang ngày càng phát huy hiệu quả. Một số mô hình kinh tế hộ về chăn nuôi gia cầm, trồng rừng, dịch vụ... đã được hình thành; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống đồng bào được quan tâm xây dựng; an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chứt vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Cơ sở hạ tầng trong những năm qua mặc dù đã được quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng tỷ lệ vốn hàng năm được cấp cho các chương trình, dự án trên địa bàn đạt thấp so với nhu cầu, như Chương trình 30a chỉ đạt 1/3 theo đề án được duyệt; Chương trình đầu tư cho các dân tộc thiểu số rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 chưa được triển khai. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Chứt còn cao (xã Dân Hóa trên 90%, xã Trọng Hóa 95%, xã Hóa Sơn 91%...). Các ngành, nghề phụ chưa được phát triển, tỷ lệ lao động trong độ tuổi cao nhưng ít người được qua đào tạo. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đời sống chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế, có 06 xã chưa có đường ô tô vào trung tâm xã, nhiều thôn thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất. Hệ thống trường, lớp, nhà ở của đồng bào xuống cấp, hư hỏng... Nguồn cán bộ là người dân tộc tại chỗ còn ít, đặc biệt là cán bộ quản lý cơ sở, cán bộ cấp huyện. Hàng năm, đồng bào dân tộc Chứt vẫn phải nhận trợ cấp cứu đói của Chính phủ trong thời kỳ giáp hạt...

Để góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, đặc biệt là huyện Minh Hóa tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào dân tộc Chứt nói riêng theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết những khó khăn bức xúc nhất của đồng bào Chứt về nhà ở, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; xây dựng thí điểm, nhân rộng các mô hình về chăn nuôi, trồng trọt và phát triển một số ngành, nghề phụ; đổi mới hình thức, nội dung công tác đào tạo nghề phù hợp với trình độ, khả năng của đồng bào gắn với nhu cầu thực tế nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cũng thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào Chứt; chú trọng hơn nữa việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Chứt, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu cán bộ cần thiết theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII).

Nguồn:quangbinh.gov.vn

Các tin khác