GIỚI THIỆU
BỘ MÁY TỔ CHỨC
TIN TỨC – SỰ KIỆN
QUI HOẠCH - KẾ HOẠCH
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
VĂN BẢN MỚI
Thống kê truy cập
Số lượng và lượt người truy cập
-
Online 3
-
Hôm nay 820
Tổng 2.551.312
WEBSITE SỞ NGÀNH
Những người 'gieo chữ' dưới chân núi Giăng Màn
Dưới chân dãy núi Giăng Màn (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) quanh năm mây mù bao phủ, có những địa danh chỉ nghe tên đã thấy xa xôi, cách trở như Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Tà Vờng... Ở đó, có những thầy giáo, cô giáo đã hàng chục năm miệt mài cắm bản gieo từng con chữ. Sự có mặt của họ đã trở thành điểm tựa, niềm tin và hy vọng của con em đồng bào người Khùa, người Mày nơi mảnh đất biên cương này.
Chúng tôi đến thăm các bản vùng biên giới xã Trọng Hóa (Minh Hóa) vào một ngày giữa tháng 11, trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông. Cung đường từ Quốc lộ 12A vào các bản này chỉ dài gần 30 km nhưng quanh co, uốn lượn qua hàng chục con khe, ngọn núi, khiến việc đi lại rất khó khăn. Chiếc xe máy của chúng tôi luôn trong tình trạng cài số 1, số 2 mới vượt qua được những khe suối ngập nước và những con dốc cao dựng đứng.
Có đi mới thấy sự hiểm trở và vất vả của cung đường này. Ấy vậy mà, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, những cô giáo, thầy giáo cắm bản ở các điểm trường Lòm, Chà Cáp, Si, Dộ, Ra Mai… vẫn vượt qua hàng chục khe suối, hàng chục con dốc hiểm trở như thế để mang con chữ đến với con em đồng bào người Khùa, người Mày trên vùng đất biên giới này.
Điểm trường Si Mới (thuộc Trường PTDT bán trú TH&THCS số 2 Trọng Hóa) nằm cheo leo bên một mái đồi, quanh năm mây mù bao phủ. Điểm trường này chỉ có một ngôi nhà cấp 4 gồm 2 phòng học với 25 em học sinh cấp tiểu học. Do ít học sinh và không có phòng học nên học sinh ở đây được chia thành 3 lớp (một lớp 1 cùng hai lớp ghép 2,3 và 4,5) học vào 2 buổi sáng và chiều. Phụ trách dạy học ở điểm trường này là 3 cô giáo, trong đó có 2 cô giáo miền xuôi lên cắm bản và một cô giáo người dân tộc bản địa nhưng nhà cũng cách điểm trường hơn 30 km.
Chúng tôi đến thăm điểm trường Si Mới lúc đã gần cuối giờ học buổi sáng nhưng tiếng đọc bài của các em học sinh nơi đây vẫn vang lên trong các lớp học. Cô giáo Cao Thị Hoằng, một trong 3 cô dạy tại điểm trường chia sẻ: “Đôi lúc dạy học vùng cao là thế, dạy mà các em chưa hiểu thì chúng tôi phải kéo dài thêm thời gian để giảng giải thêm.”
Cô giáo Hoằng có nhà thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) nhưng đã có 8 năm cắm bản ở các điểm trường vùng biên giới xã Trọng Hóa. Nhớ lại những ngày đầu khi mới đặt chân đến vùng đất biên giới này, những tưởng những khó khăn về cơ sở vật chất cùng điều kiện ăn ở, đi lại và sự bất đồng ngôn ngữ sẽ làm nản lòng những người giáo viên trẻ như cô. Thế nhưng, hình ảnh những đứa trẻ người Khùa, người Mày cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, đôi chân trần hằng ngày vẫn băng rừng, lội suối đến trường với mong muốn đi học để biết “con chữ” đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí, là động lực thôi thúc cô giáo Hoằng cần phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng là một giáo viên có hơn 10 năm gắn bó với các bản làng vùng cao biên giới này, cô Đậu Thị Mai Hóa đã nếm đủ những khó khăn vất vả, những cú ngã làm trầy xước, bầm dập cả mình mẩy, hàng tháng trời chỉ có thức ăn khô, rồi vắt rừng, bọ chét đất, muỗi rừng bủa vây. “Bây giờ đường sá đi lại đã đỡ hơn rất nhiều, nhiều đoạn đường nguy hiểm đã được đổ bê tông. Nhưng ngày trước, khi tôi mới đến đây, gặp cung đường xa tít tắp, lại còn rất cheo leo, hiểm trở này thì sợ lắm. Khổ nhất là những ngày trời mưa, đi không cẩn thận là bị trượt chân ngay”, cô Hóa chia sẻ.
Vất vả là vậy nhưng hơn 10 năm qua, hầu hết các bản làng khó khăn nhất vùng biên giới này như: Pa Choong, Cha Cáp, Lòm, Ra Mai…, cô Hóa đều đã đến cắm bản dạy chữ. “Càng sống lâu ở đây, chúng tôi càng thấu hiểu như bà con dân tộc Khùa, Mày tuy rất nghèo nhưng họ sống thật thà, chân thành, tình cảm lắm; có cái gì họ cũng để dành cho các cô hết. Trẻ em ở đây thì thiệt thòi lắm, khó khăn thiếu thốn nhiều vậy rồi mà các em không được học chữ nữa thì tội lắm. Vì vậy, dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng cố gắng vượt qua, để mang con chữ về với bản làng’, cô Hóa tâm sự.
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, cô Hóa kể: “Tôi quê ở Nghệ An, lấy chồng ở Đồng Hới (Quảng Bình) và hiện đã có 2 đứa con. Chồng tôi làm nghề lái xe tải đường dài, còn tôi lại là giáo viên cắm bản, vì cuộc sống mưu sinh nên 2 đứa con của chúng tôi phải gửi con cho nhà nội trông coi. Bây giờ đường sá đi lại đã đỡ hơn nên mỗi tuần tôi được về nhà một lần, nhưng trước đây thì phải vài ba tháng, mẹ con, vợ chồng mới được gặp nhau một lần…”
Câu chuyện của cô Hóa chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện của giáo viên cắm bản ở vùng biên giới Trọng Hóa. Hàng ngày, các cô, các thầy vẫn vượt khó khăn, hy sinh tuổi trẻ, niềm riêng cho sự nghiệp trồng người dưới chân núi Giăng Màn này.
Thầy giáo Cao Viết Hương, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS số 2 Trọng Hóa cho biết, trường có 7 điểm trường gồm: Pa Choong, Ka Óoc, Ra Mai, Si Mới, Cha Cáp, Dộ, Lòm. Nhà trường có 56 giáo viên, phần lớn trong số này đều là giáo viên cắm bản, trong đó có những người trải qua nhiều năm như thầy Đinh Xuân Thanh (17 năm), cô Đậu Thị Mai Hóa (10 năm), cô Cao Thị Hoằng (8 năm)….
Không biết nói gì hơn, chỉ thấy lòng đầy chất chứa, bởi chia tay các thầy cô, văng vẳng sau lưng chúng tôi trên con đường đổ dốc, vẫn là tiếng hát tươi trẻ của các em học sinh: “Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng cây ơ... Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay...ơ...”. Bởi lẽ, chúng tôi biết, vì sự nghiệp giáo dục, vì thế hệ tương lai của đất nước các cô, các thầy đã phải sống xa gia đình, chấp nhận gian khổ để bám bản gieo chữ, mang tương lai tươi sáng hơn đến vùng đất dưới chân núi Giăng Màn kỳ vĩ này…
Phan Phương - baoquangbinh.vn
Các tin khác
- Tăng cường hỗ trợ giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (21/11/2018)
- Tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt phát triển kinh tế - xã hội bền vững (14/11/2018)
- Tiếp tục thực hiện cho vay hộ nghèo làm nhà theo QĐ 48/2014/QĐ-TTg giúp bà con nhân dân hộ nghèo yên tâm hơn trong mùa mưa lũ (31/10/2018)
- Hiệu quả từ việc huy động vốn ở xã Trung Hóa (31/10/2018)
- Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Minh Hóa triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018 (31/10/2018)
- Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa đồng hành cùng người nghèo. (24/10/2018)
- Minh Hóa: Sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết và các chương trình trọng điểm (11/10/2018)
- NHCS Xã hội huyện Minh Hóa: Hiệu quả từ chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 33/2015 của Thủ tường Chính phủ. (04/10/2018)
- Phòng giao dịch NHCSXH Minh Hóa hoàn thành chỉ tiêu năm 2018 về huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV. (02/10/2018)
- Minh Hóa, Quảng Bình: 70% lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo (02/10/2018)