ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 651

  • Tổng 1.508.807

Đường ra trận, đường tới ấm no

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Hơn 40 năm trước, trong cuộc trường chinh chống Mỹ, đường 12A là tuyến vận tải đặc biệt quan trọng để vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí chi viện cho miền Nam, khi quốc lộ 1 và đường 15A bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mcnamara. Hơn 40 năm sau, con đường 12A qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là cung đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, mở ra những cơ hội giao lưu, hợp tác đưa quê hương, đất nước tới ấm no, hạnh phúc…

50km đường, hàng chục “tọa độ lửa!”
 
Lịch sử ngành Giao thông vận tải Quảng Bình chép rằng, đường 12A được mở ra từ thời Pháp thuộc khi giới tư bản chính quốc tìm thấy nguồn tài nguyên phong phú ở vùng Trung Lào.
 
Do vậy, để khai thác phần của cải dồi dào này, bên cạnh tuyến cáp treo “không trung thiết lộ”, chính quyền thuộc địa đã huy động hàng chục nghìn lượt người Việt với hàng triệu ngày công xẻ núi, băng đèo xây dựng 70km đường từ ga Tân Ấp (huyện Tuyên Hóa) lên biên giới Việt-Lào rồi vượt dãy Trường Sơn kết nối với tuyến 12 ở thị xã Thà Khẹt (Khăm Muộn)…
Di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Cha Quang, nơi 7 liệt sỹ TNXP hy sinh ngày 3-7-1966.
Di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Cha Quang, nơi 7 liệt sỹ TNXP hy sinh ngày 3-7-1966.
Khi đất nước bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, uốc lộ 1 và đường 15 bị chặn lại bởi dòng sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 và hàng rào điện tử Mcnamara, đường 12A trở thành tuyến vận tải quan trọng bậc nhất lúc bấy giờ để vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí vào giải phóng miền Nam.
 
Cũng chính vì vậy mà giặc Mỹ đã coi đường 12A là nơi phải tận diệt. Chỉ khoảng 50km của tuyến đường từ ngã ba Khe Ve đến đèo Mụ Dạ nhưng đã có hàng chục “tọa độ lửa”, là những cái túi để máy bay Mỹ trút xuống hàng hà sa số bom mìn.
 
Thế nhưng, giặc Mỹ đã không thể khuất phục được ý chí thống nhất Tổ quốc sắt đá của cả dân tộc và những chàng trai, cô gái “mái tóc xanh tuổi trăng tròn” trên cung đường máu lửa này.
 
Trong những năm tháng đó, trên cung đường 12A, ngoài lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), thì các bản làng của người Khùa, người Mày, người Kinh sống dọc theo tuyến đường đều trở thành những công sự chiến đấu, mỗi nếp nhà sàn của đồng bào là mỗi bếp nuôi quân, nơi cứu chữa thương binh...
 
Còn đó những tên đất, tên bản mà mỗi khi nhắc đến là hàng triệu con tim không thể nào thôi thổn thức, đó là Cổng Trời, Mụ Dạ, Khe Ve, Bãi Dinh, Cha Quang; là trận địa pháo phòng không của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với câu nói nổi tiếng: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!"…
 
Cũng trên cung đường 12A huyền thoại, có một sự kiện lịch sử vô cùng bi tráng, đó là vào ngày 3-7-1966, 7 TNXP thuộc đại đội 759 (TNXP Quảng Bình) trong khi đang san mặt đường, lấp hố bom thông tuyến thì trúng bom tọa độ và bị một khối lượng đất đá khổng lồ vùi lấp.
 
Sau nhiều giờ đào đất đá tìm kiếm song không thấy thi thể đồng đội trong đêm tối, đại đội TNXP 759 lại quyết định san lấp lại mặt đường để thông đường kịp cho các đoàn xe chở vũ khí, đạn dược vào Nam. Các anh, các chị lại thêm một lần nữa phải hy sinh... Từ đó, đồi Cha Quang còn mang thêm cái tên khác nữa là đồi 37 để tưởng nhớ ngày hy sinh của các anh, các chị.
 
Năm 2009, tập thể 7 liệt sỹ TNXP hy sinh ở đồi Cha Quang đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Di tích lịch sử đồi Cha Quang cũng đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
 
Hiện nay, sống dọc theo cung đường ác liệt năm nào là đồng bào người Khùa, người Mày thuộc 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa (Minh Hóa). Trong những năm chiến tranh, đồng bào người Mày, người Khùa nơi đây đã dẫn đường, ủng hộ sức người sức của cùng bộ đội, TNXP giữ cho mạch máu giao thông đặc biệt quan trọng này luôn thông suốt.
 
Cuộc sống của đồng bào người Khùa, người Mày 44 năm sau ngày đất nước thống nhất đã có nhiều đổi thay. Vậy nhưng, những kỷ niệm về năm tháng được sống, chiến đấu cùng với bộ đội, TNXP trên cung đường huyền thoại này thì đồng bào không thể nào quên được.
 
Già làng Hồ Phoong (con trai Anh hùng LLVTND Hồ Phòm), ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa (Minh Hóa) vẫn nhớ như in những năm tháng ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng đó. Già Phoong kể: “Ngày đó, ngôi nhà sàn của ông, cũng như nhiều ngôi nhà khác trong bản, trong xã trở thành nơi dừng chân của các đoàn bộ đội trước lúc vượt qua Lào để vào miền Nam đánh Mỹ.
 
Hàng ngày, dân bản đi gùi gạo, đi cáng thương binh ở các tọa độ lửa trên đường 12A như Trà Ang, Mụ Dạ, Cổng Trời, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh... Dân bản thương các cô, các chú bộ đội, TNXP nhiều lắm, có củ sắn, cây măng rừng, bát nước lá vằng, cỏ thuốc cũng đem đến để cho. Các o, các chú cũng thương dân bản nhiều, thường xén bớt phần lương khô, thực phẩm của mình để cho người già, em nhỏ trong bản…”.
 
Đường tới ấm no
 
Sau ngày đất nước thống nhất, đường 12A tiếp tục sứ mệnh lịch sử mới của mình, trở thành mạch máu giao thông quan trọng nối Việt Nam với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, mở ra những cơ hội giao lưu, hợp tác đưa quê hương, đất nước tới ấm no, hạnh phúc…
 
Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo cho biết, cung đường từ Thái Lan, Lào về Việt Nam qua quốc lộ 12A là ngắn và an toàn nhất. Đường 12A thông tuyến từ điểm nối quốc lộ 1A tại TX. Ba Đồn đến tận thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), kết nối một vùng rộng lớn hàng triệu dân với nhiều trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Lào, Thái Lan.
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày nay.
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày nay.
Năm 2018, có hơn 1 triệu lượt người và phương tiện lưu thông trên đường 12A qua CKQT. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua CKQT Cha Lo đạt 743,8 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 42,5 triệu USD, nhập khẩu đạt 695 triệu USD; hàng hóa quá cảnh đạt 685,4 triệu USD. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên cả nước xuất nhập khẩu hàng hóa qua CKQT Cha Lo.
 
Trong khi đó, Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Cha Lo đã hoàn thiện quy hoạch với địa bàn rộng lớn chạy dọc theo quốc lộ 12A gần 50km, từ CKQT Cha Lo về xuôi, thuộc các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa của huyện Minh Hóa cũng đang trở thành điểm đến của nhiều thương nhân từ mọi miền đất nước đến buôn bán, đầu tư.
 
Nói về tác động của tuyến đường 12A và Khu KTCK Cha Lo đối với địa phương, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa phấn khởi cho biết: "Với lưu lượng người, phương tiện và hàng hóa qua lại CKQT Cha Lo ngày càng tăng cao và sự phát triển mạnh mẽ của Khu KTCK Cha Lo đã đem lại sức bật mới cho địa phương, đặc biệt là các xã nằm dọc theo đường 12A.
 
Với sự đi lại thuận tiện của con đường này, người dân các xã nói trên đã bước đầu phát triển kinh tế dịch vụ và xuất khẩu lao động qua các nước Lào, Thái Lan, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững…”
 
Nguồn:baoquangbinh.vn

Các tin khác