ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1511

  • Tổng 2.526.691

Tiếng đàn "se duyên" của người Khùa: Vắng dần bên mái Giăng Màn

Font size : A- A A+
Với trai gái người Khùa dưới chân dãy Giăng Màn, thuộc xã Trọng Hóa (Minh Hóa), một thời chưa xa, chiếc đàn Karong được ví như “ông tơ, bà nguyệt”. Bởi lẽ, tiếng đàn đó khi được những chàng trai kéo lên, nó tạo ra âm thanh lúc réo rắt, lúc thì du dương và có sức hút lạ kỳ, như lôi kéo bước chân của những cô gái dù đang vội vã lên nương cũng phải dừng lại để lắng nghe, để xiêu lòng… Bao chàng trai, cô gái người Khùa đã nên duyên vợ chồng nhờ những âm thanh đó!

Cầu nối tình yêu
 
Trong căn nhà sàn đơn sơ của ông Hồ Khăm ở bản Pa Choong, chúng tôi được nghe kể “sự tích” về cây đàn Karong, một nhạc cụ truyền thống của người Khùa, mà hiện nay ông là một trong những người hiếm hoi còn lưu giữ được. Chuyện kể rằng, thửa xa xưa, ở một bản làng dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây phủ, có một chàng trai người Khùa mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Chàng lớn lên tự nhiên như cây cỏ, nhưng bản thân vẫn thấy mình lạc lõng như con thú bơ vơ giữa rừng hoang lạnh.
 
Rồi trong một lần đi rừng kiếm măng, khi lạc giữa một rừng nứa bạt ngàn, cùng với tâm trạng cô đơn trỗi dậy, chàng trai đã nghĩ ra việc tự chế một cây đàn từ những ống nứa để làm bạn tâm tình những lúc buồn vui. Khi hoàn thành, chàng trai đặt tên cho cây đàn của mình là Karong. Thoạt nhìn, cây đàn trông thô ráp, xù xì giống như một chiếc điếu cày đã cũ.
Già Hồ Khăm đang tỷ mẩn làm một cây đàn Karong mới với ước muốn giữ gìn cho thế hệ sau.
Già Hồ Khăm đang tỷ mẩn làm một cây đàn Karong mới với ước muốn giữ gìn cho thế hệ sau.
 
Nhưng nhìn kỹ, nó lại có nét hao hao cây đàn Chư ra bon truyền thống của người Mã Liềng bên kia dãy Giăng Màn. Có một điều mà chính chàng trai cũng không ngờ tới là nhạc cụ tưởng chừng như đơn giản, thô ráp đó lại tạo ra một thứ âm thanh có sức hút đến lạ kỳ, như mê hoặc, như níu kéo những bước chân người dù vội vã đến đâu cũng phải dừng lại…
 
Đã không biết bao nhiêu cô gái người Khùa trên đường lên rẫy, cầm lòng không đặng khi nghe tiếng đàn của những chàng trai người Khùa vang lên bên mái nhà sàn hay bên con đường rừng vắng. Rồi những đêm trăng sáng giữa núi rừng, những đêm hội của bản làng, thứ âm thanh “ma mị” đó đã “se duyên” cho những chàng trai, cô gái người Khùa nên duyên vợ chồng. Với những chàng trai chơi đàn Karong giỏi bao giờ họ cũng có nhiều cô gái người Khùa vây quanh.
 
Theo lời ông Hồ Khăm, không biết có phải do định mệnh, bản thân ông cũng là một chàng trai người Khùa mồ côi và kéo đàn Karong rất giỏi. Lúc tuổi thanh niên, mỗi lần Hồ Khăm đưa đàn ra kéo là con gái, con trai cả bản cũng kéo nhau đến giữa khoảng sân rộng. Biết bao cô gái người Khùa đã mê mệt tiếng đàn của Hồ Khăm. Và cũng chính tiếng đàn réo rắt ấy là cầu nối tình yêu để chàng trai mồ côi Hồ Khăm nên duyên vợ chồng với người con gái xinh đẹp nhất bản là Hồ Thị Keo.
 
Như để minh chứng cho lời nói của mình, Hồ Khăm đã lấy cây đàn Karong ra kéo cho chúng tôi nghe. Nhìn đôi bàn tay đen sạm, gồ ghề, thô ráp của Hồ Khăm và cái nhạc cụ cũng cũ như cuộc đời của ông, không một ai trong chúng tôi nghĩ nó lại tấu lên một bản nhạc với những thứ thanh âm ma mị và có sức hút đến vậy. Tiếng đàn ấy vừa hoang sơ, bí ẩn như những cánh rừng đại ngàn sâu thẳm, vừa dung dị, mộc mạc như nụ cười tỏa nắng của những cô gái Khùa trên nương…
 
Lớp trẻ không còn mặn mà
 
Đàn Karong là một loại nhạc cụ truyền thống của người Khùa ở dưới chân dãy núi Giăng Màn. Những thế hệ thanh niên người Khùa lớn lên, mê tiếng đàn Karong đều được lớp người đi trước dạy cho cách làm đàn, truyền cho cách chơi đàn…
 
Theo ông Hồ Khăm, để làm được một cây đàn Karong không phải là khó lắm. Bản thân ông chỉ cần mất một buổi là đã có thể làm ra được một cây đàn hoàn chỉnh. Đàn Karong được làm bằng một ống nứa dài chừng 3 gang tay, hai đầu mắt và giữa thân được khoét lỗ để tạo ra âm thanh. Ngay mỗi đầu ống có gắn hai thanh nứa để làm chỗ buộc và điều chỉnh dây đàn. Ống nứa được bào càng mỏng thì âm thanh càng hay và càng trong. Điều đặc biệt, so với các loại đàn khác, dây đàn Karong được chế ra từ lõi của sợi phanh xe đạp.
 
Một thiếu nữ người Khùa bên dãy Giăng Màn cho biết: “Thế hệ của cô bây giờ rất ít được nghe tiếng đàn Kroong và những loại nhạc cụ truyền thống khác”.
Một thiếu nữ người Khùa bên dãy Giăng Màn cho biết: “Thế hệ của cô bây giờ rất ít được nghe tiếng đàn Kroong và những loại nhạc cụ truyền thống khác”.
Thế nên, cây đàn mới cất lên một thứ thanh âm lạ lẫm, nghe thô ráp, nhưng lại có sức vang và chứa đầy vẻ hoang sơ, bí ẩn đúng như nét mộc mạc, dân dã của nó. Vĩ kéo của cây đàn được làm từ cật nứa, dẹt, chiều dài tương đương 2/3 thân đàn. So với những loại đàn dây có vĩ kéo (violes), cây đàn Karong vừa có thể dùng vĩ kéo, vừa gẩy hoặc búng trên một đoạn nhạc dài có tiết tấu dồn dập. Do thân đàn là ống nứa dài và hai dây căng ngay trên bề mặt nên tạo được âm vang tối đa khi gẩy. Ông Hồ Khăm cho hay, muốn có được âm thanh như ý thì có thể điều chỉnh độ căng của dây đàn nhờ vào hai thanh nứa buộc hai đầu kia…
 
Tiếng đàn Karong dẫu được ví là tiếng đàn “se duyên” nhưng là đối với thế hệ những chàng trai, cô gái người Khùa cách đây hơn 10 năm về trước. Còn bây giờ, giới trẻ người Khùa cũng đang xa dần những thứ nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình mà tiếp thu nhanh những thứ âm thanh được du nhập từ dưới xuôi lên. Thành ra, tiếng đàn Karong và nhiều thứ nhạc cụ khác của đồng bào người Khùa cứ thế mai một, vắng dần sau mái Giăng Màn.
 
Đó cũng là điều trăn trở lớn nhất của những người già như Hồ Khăm. “Ở bản Pa Choong, bây giờ cũng có nhiều đứa vừa làm, vừa đánh được cây đàn Kroong như Hồ Phoong, Hồ Xăng. Nhưng tụi hắn không còn mê như thế hệ trước đây của miềng nữa rồi. Miềng sợ tụi hắn ít chơi rồi quên mất tiếng đàn.”, già Hồ Khăm cất giọng buồn.
 
Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cũng trăn trở: “Đàn Karong là nhạc cụ truyền thống của người Khùa nhưng ở xã Trọng Hóa bây giờ còn rất ít người biết đến loại nhạc cụ này. Ông Hồ Khăm ở bản Pa Choong là một trong những người Khùa hiếm hoi còn lưu giữ được cây đàn Karong. Sợ rằng, đến lúc thế hệ những người như Hồ Khăm mất đi, sẽ không còn ai biết đến và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Khùa nữa.”

Nguồn:baoquangbinh.vn

More