ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 211

  • Tổng 1.583.469

Thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Font size : A- A A+
 Tại địa bàn thị trấn Quy Đạt thuộc huyện miền núi Minh Hoá (Quảng Bình), hỏi chuyện làm ăn giỏi, ai cũng kể và khâm phục gia đình bà Đinh Thị Thất, ở Tiểu khu 4. Mười lăm năm về trước, gia đình bà Thất là một trong những hộ nghèo của tiểu khu. Gia đình bà có bốn khẩu, trong đó 2 con đang tuổi ăn học không phụ giúp được gì thêm cho 2 vợ chồng.

 

Gia đình bà Đinh thị Thất, tiểu khu 4, thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ được vay vốn trồng cây ăn quả.

Ngoài thu nhập chính từ sản xuất chăn nuôi theo mùa vụ thì kinh tế gia đình cũng không có thu nhập gì thêm, do vậy gia đình có lúc no, lúc đói. Từ khi gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và bà đã được phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về cho vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tới các hộ nghèo.

Năm 2006, gia đình bà Thất được Tổ TK&VV thuộc Phụ nữ dân bình xét cho vay mười triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo. Được Hội Phụ nữ, cán bộ tiểu khu, Tổ TK&VV tư vấn, gia đình bà quyết định mua hai con bò sinh sản. Đến năm 2011, hai con bò đẻ được thêm năm bê con, nhưng do thiếu kinh nghiệm và chưa quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh cho nên bò, bê còi cọc. Nợ đến hạn, gia đình bà Thất phải bán một con bò, hai con bê để trả nợ. Chi phí học hành của các con vượt quá khả năng kinh tế của gia đình, dù đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiếp từ Chương trình học sinh sinh viên. Do vậy đến năm 2011, gia đình vẫn chưa thoát nghèo.

Năm 2012, gia đình bà Thất được bình xét cho vay thêm mười lăm triệu đồng cùng với số vốn gom góp được lâu nay, bà chuyển qua trồng cây ăn quả như ổi, cam, bưởi và mít... với hơn 200 gốc. Lần này, nhờ có con trong nhà học ngành nông lâm đã đem kiến thức đã học áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn cây ăn quả của gia đình phát triển tươi tốt. Năm 2014, gia đình tiếp tục được vay thêm mười lăm triệu đồng từ hộ nghèo và tiếp tục đầu tư mở rộng vườn cây ăn quả lên 300 gốc. Năm 2015 gia đình bà bắt đầu có thu nhập từ các loại quả như ổi, cam, bưởi được hơn hai mươi triệu và năm 2016 được hơn ba mươi triệu và các năm sau bình quân mỗi năm hơn bốn mươi triệu. Đến năm 2018 gia đình bà không còn diện hộ nghèo và thuộc diện hộ cận nghèo nên bà trả hết số tiền vay chương trình Hộ nghèo và sau đó lại vay tiếp chương trình Hộ cận nghèo với số tiền năm mươi triệu để tiếp tục đầu tư vào vườn cây hiện tại gia đình bà có trên 500 gốc các loại cây ăn quả và cho thu nhập mỗi năm gần bảy mươi triệu đồng. Từ số tiền thu nhập đó bà đã xây được ngôi nhà khang trang hơn năm trăm triệu đồng.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, xóm của 15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Đặc biệt Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên cho cán bộ triển khai về cơ sở, nắm bắt nhu cầu cũng như kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay trên toàn huyện để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn, tránh để người dân thiếu vốn trong thực hiện phương án sản xuất chăn nuôi của gia đình.

Ngoài tấm gương của bà Đinh Thị Thất, nhờ được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước cho nên nhiều hộ dân đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Cao Thị Ngọc Tuyết, tiểu khu 9, từ nguồn vốn vay ban đầu thông qua Tổ TK&VV thuộc Hội Phụ nữ, đến nay gia đình bà đã phát triển được đàn bò 9 con bò lai sin; gia đình bà Đinh Thị Huyến, tiểu khu 9 vay 30 triệu hiện có 07 con bò; gia đình bà Nguyễn thị Huấn, tiểu khu 9 vay 50 triệu có 3 con trâu và 03 con bò; gia đình bà Đinh Thị Mai, tiểu khu 9 vay 50 triệu có 04 con trâu và 02 con bò… các gia đình trên trở thành điển hình về mô hình phát triển kinh tế của thị trấn Quy Đạt... góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Minh Hoá từ trên 40% năm 2015 xuống còn 14,66% năm 2020.

 

CTV: Bài và ảnh: Hải Dương

NHCSXH Minh Hóa

More