GIỚI THIỆU
BỘ MÁY TỔ CHỨC
TIN TỨC – SỰ KIỆN
QUI HOẠCH - KẾ HOẠCH
ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
VĂN BẢN MỚI
Thống kê truy cập
Số lượng và lượt người truy cập
-
Online 2
-
Hôm nay 681
Tổng 2.551.173
WEBSITE SỞ NGÀNH
Hy vọng mới cho nghệ thuật ca trù
Liên hoan ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ IV năm 2020 diễn ra vào một ngày mưa và lạnh của tháng 11 nhưng cũng chính trong điều kiện thời tiết bất lợi ấy tạo cho không gian trình diễn nghệ thuật ca trù (Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Quảng Trạch) trở nên đầm ấm để rồi mỗi lời ca, điệu đàn, nhịp phách của các nghệ nhân như da diết hơn, sâu lắng hơn và neo lại trong lòng người nghe.
Liên hoan ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ IV thu hút gần 100 ca nương, kép đàn, trống chầu… đến từ 9 câu lạc bộ (CLB) ca trù trên địa bàn các huyện: Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa và TX. Ba Đồn. Đặc biệt, tại liên hoan lần này có sự tham gia của những ca nương trẻ, đang độ tuổi học sinh và cả những nghệ nhân gắn gần trọn cuộc đời với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn được xem là "cái nôi" của các làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là ca trù. Chỉ tính riêng hai địa phương này đã có 5/9 CLB ca trù tham gia liên hoan với những CLB nổi tiếng như: CLB ca trù Đông Dương, CLB ca trù xã Quảng Kim, CLB ca trù Ba Đồn, trong đó, làng Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch) là một trong những địa phương có CLB ca trù ra đời, phát triển sớm nhất toàn tỉnh.
Ca trù Quảng Bình mang âm hưởng của ca trù miền Bắc do được lưu truyền từ các nghệ nhân người Bắc vào khai khẩn đất đai, lập nghiệp. Để ca trù sống mãi với thời gian, các nghệ nhân làng-những người nắm giữ ca trù do thế hệ cha ông để lại đã dày công truyền dạy, biểu diễn, xem đây là một phần trong đời sống văn hóa của mỗi làng quê.
CLB ca trù Đông Dương mở đầu liên hoan bằng 4 tiết mục độc đáo, làm say lòng người bởi giọng hát của nghệ nhân ưu tú (NNƯT)-ca nương Dương Thị Điểm hòa cùng tiếng trống chầu, tiếng phách, tiếng đàn đáy lúc nhặt, lúc khoan... So với nhiều nghệ ca trù trong toàn tỉnh, ca nương Dương Thị Điểm được đánh giá là người có kỹ thuật hát “nảy hạt” đặc trưng của nghệ thuật thuật hát ca trù qua cách lấy hơi, ém hơi, nhả chữ…
CLB ca trù Đông Dương cũng là đơn vị thể hiện nhiều tiết mục nhất tại liên hoan, mỗi tiết mục mang một thể cách, làn điệu khác nhau để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem từ phong cách biểu diễn đến giọng hát, tiếng đàn của các nghệ nhân.
CLB ca trù Ba Đồn cũng là một trong những đơn vị tham gia và biểu diễn khá xuất sắc tại liên hoan. Điều đáng mừng ở CLB này là sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, nổi bật nhất là giọng hát của đào nương Phạm Tuyết. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm biểu diễn như đào nương Dương Thị Điểm nhưng đào nương Phạm Tuyết cũng là gương mặt tiêu biểu của CLB ca trù Ba Đồn với giọng hát đẹp, nhất là các nốt ngân, luyến…mang âm hưởng ca trù miền Bắc.
Đến với liên hoan ca trù Quảng Bình lần thứ IV, CLB ca trù Phong Châu (Châu Hóa, Tuyên Hóa) thể hiện các làn điệu ca trù cổ trên cơ sở được soạn lời mới phù hợp với thời đại. Người có công lớn trong việc bảo tồn, phát triển ca trù và cũng là người soạn lời mới cho các làn điệu ca trù của làng là cố nghệ nhân Đặng Phàn và những người đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”.
Cụ Trần Văn Duễ (80 tuổi), Chủ nhiệm CLB ca trù Phong Châu cho biết: CLB hiện có 24 thành viên, trong đó có 8 thành viên trẻ tuổi và một số người đã cao tuổi song vẫn say mê với các hoạt động biểu diễn, truyền dạy ca trù. Đến nay, CLB đã thể hiện được 11 làn điệu như: hát đình, hát múa quạt, hát nam, hát phú, hát kim tiền, hát luyện, hát điệu tỳ bà…
Tuy nhiên, do không có nhiều thời gian chuẩn bị vì phải khắc phục hậu quả lũ lụt nên CLB chưa thực sự mang đến liên hoan chương trình biểu diễn tốt nhất. Các nghệ nhân xem đây là cơ hội được giao lưu, học hỏi từ đơn vị bạn để tiếp tục xây dựng CLB ngày càng phát triển, quyết tâm bảo tồn, gìn giữ ca trù cho muôn đời sau.
Đến từ huyện Minh Hóa, 2 CLB ca trù xã của xã Yên Hóa và Minh Hóa tạo dấu ấn riêng với các tiết mục mang đậm bản sắc vùng miền như: “Sắc màu quê hương”, “Hát ru”, “Tiếp xuân"… Nổi bật là giọng hát ngọt ngào, truyền cảm của ca nương Đinh Thị Thoan (CLB Ca trù Yên Hóa), một trong những gương mặt xuất sắc trong việc bảo tồn, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của quê hương Minh Hóa.
CLB ca trù các xã, phường: Quảng Kim (Quảng Trạch), Quảng Trung, Ba Đồn (thị xã Ba Đồn) cũng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các chương trình biểu diễn, thể hiện niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống và nỗ lực gìn giữ lưu truyền của các nghệ nhân.
Một trong những điểm nhấn tại liên hoan lần này là sự tham gia của CLB ca trù Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) với sự góp mặt của các ca nương, kép đàn được đào tạo bài bản, trong đó có ca nương Trương Thị Thanh Oai, từng đoạt giải A tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018. Các thể: hát xướng, hát nói, hát chơi… đặc trưng của ca trù được Thanh Oai và các thành viên của CLB thể hiện khá tốt, cuốn hút khám giả cả phần nghe lẫn phần nhìn.
Điều đáng mừng của liên hoan lần này là hầu hết các đơn vị tham gia đều trình làng những gương mặt ca nương, kép đàn trẻ, trong đó có những ca nương mới chỉ từ 7 đến 14 tuổi nhưng đã thể hiện tốt các làn điệu cổ, nổi bật là ca nương Nguyễn Thị Linh, 12 tuổi đến từ CLB ca trù Quảng Kim.
Không chỉ sở hữu chất giọng trong trẻo, sâu lắng, thể hiện khá tốt kỹ thuật hát nhả chữ, nảy hạt và các nốt ngân riêng có của ca trù, cô bé 12 tuổi còn khiến nhiều người bất ngờ, cảm phục bởi phong cách biểu diễn rất chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho rằng, sự có mặt của các ca nương “nhí” đầy triển vọng là tín hiệu vui cho việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật ca trù trong tương lai.
Là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm tính dân gian, vừa uyên bác, hàn lâm trong cả lời ca, điệu nhạc, ca trù khá kén người nghe và rất gian nan trong việc tìm người hội tụ đủ điều kiện theo học. Với những đặc tính đó, di sản gặp nhiều khó khăn để hòa nhập, lan tỏa trong đời sống đương đại. Vì vậy, tháng 10-2009, UNESCO đã đưa ca trù vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Trước thực trạng này, nhiều địa phương đang nắm giữ di sản trên cả nước, trong đó có Quảng Bình đã chủ động, tích cực phục hồi, phát huy giá trị di sản. Ngoài việc tổ chức các liên hoan ca trù tạo sân chơi cho các nghệ nhân, hàng năm, Sở VH-TT còn quan tâm đến các hoạt động bảo tồn, truyền dạy ca trù, tạo điều kiện cho các CLB mua sắm nhạc cụ và thành lập các CLB, tổ, nhóm ca trù tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống và Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh nhằm đưa ca trù vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật biểu diễn của toàn tỉnh.
Liên hoan ca trù tỉnh Quảng Bình lần thứ IV là dịp để phát hiện thêm những gương mặt triển vọng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù trên địa bàn toàn tỉnh. Và chính sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi bên cạnh những nghệ nhân “gạo cội” đã khẳng định sự hồi sinh, phát triển của ca trù trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.
Nguồn: baoquangbinh
More
- Minh Hóa: Thoát nghèo từ nuôi bò vỗ béo
- Tuổi trẻ Quảng Bình tự hào tiến bước dưới cờ Đảng
- Gắn kết yêu thương, sẻ chia hy vọng
- Minh Hóa: Tập trung giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm
- Minh Hóa: Đẩy mạnh xây dựng bản nông thôn mới
- "Lộc trời" dưới chân dãy Giăng Màn
- Tiếng đàn "se duyên" của người Khùa: Vắng dần bên mái Giăng Màn
- Khánh thành công trình tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ huyện Minh Hóa
- Minh Hóa: Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2020
- Năm 2019, chương trình phát triển trồng rừng kinh tế được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân huyện Minh Hóa tiếp tục đẩy mạnh triển khai và hưởng ứng tích cực.