ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 3770

  • Tổng 2.334.312

Minh Hóa: Hiểm họa trâu bò thả rông gây tai nạn giao thông

Font size : A- A A+
 Thời gian qua, tình trạng trâu, bò thả rông, đi lại nghênh ngang hoặc nằm ngủ ngay trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Minh Hóa), đã trở thành nỗi “ám ảnh” cho người đi đường. Điều đáng nói, mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm...

 Trâu, bò vô tư… "đi dạo" và nằm ngủ trên quốc lộ

 Tình trạng thả rông trâu, bò của người dân một số xã trên địa bàn huyện Minh Hóa không phải bây giờ mới được đề cập, phản ánh. Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được những hiểm nguy, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông đường bộ, khi họ thả rông cho đàn trâu, bò vô tư “đi dạo”, thậm chí nằm ngủ qua đêm trên đường.
 
Những người tham gia giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Minh Hóa (đặc biệt là đoạn qua xã Thượng Hóa) sẽ không khó để bắt gặp cảnh từng đàn trâu, bò "vô tư đi tung tăng” trên đường; đặc biệt lúc đêm xuống, nhiều con trâu, bò còn nằm co cụm, ngủ qua đêm ngay trên đường.
 
Tại khu vực này, mỗi khi đàn trâu, bò “diễu hành” trên đường là nhiều phương tiện tham gia giao thông buộc phải giảm tốc độ để nhường đường. Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm cũng đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện không thắng kịp, va chạm với đàn trâu, bò.
 
Vào tháng 9-2018, hai vợ chồng ông C.N.L. ở xã Yên Hóa chở nhau trên xe gắn máy đi làm về trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đến đoạn qua xã Thượng Hóa thì va chạm với đàn bò thả rông đang chạy qua đường. Cú va chạm mạnh đã làm ông L. thiệt mạng ngay sau đó. Vụ tai nạn bất ngờ và quá thương tâm đã cướp đi người cha, người chồng là trụ cột lao động chính của gia đình.
 
Mới đây nhất, anh P.T.P ở TP. Đồng Hới điều khiển xe ôtô con đi từ thị trấn Quy Đạt về, do trời khuya, sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, đã tông phải đàn bò đang nằm ngủ ngay trên đường. Vụ va chạm đã khiến xe ô tô của anh P. bị hư hỏng, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Trâu, bò
Trâu, bò "vô tư đi dạo", ngủ trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa (Minh Hóa) gây mất an toàn giao thông.
Chưa có thống kê đầy đủ về các vụ TNGT do trâu, bò gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ TNGT trên đoạn đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện Minh Hóa không chỉ là 2 vụ nêu trên. Trâu bò thả rông đang trở thành mối “hiểm họa”, nỗi lo của người tham gia giao thông. Bởi khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người đi đường.
 
Chị Trần Hải Sâm, một người thường xuyên đi lại qua đoạn đường này cho biết: "Trâu, bò đi tự do và nằm ngủ ngay trên đường khiến cá nhân tôi rất lo ngại, bởi không những ảnh hưởng thời gian di chuyển mà còn rất dễ gây TNGT."
 
Cần xử lý nghiêm chủ gia súc
 
Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc người dẫn dắt súc vật khi đi trên đường bộ phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, cũng như giữa gìn vệ sinh chung nhưng thực trạng là các chủ vật nuôi không biết hoặc có biết nhưng không tuân thủ.
 
Trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng, ngay trong khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định: không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…
 
Riêng đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có quy định xử phạt, hướng xử lý trong khoản 2, Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP; Điều 603, Bộ luật Dân sự năm 2015 của Quốc hội; Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015… khá rõ ràng. Theo đó, trong trường hợp chủ gia súc thả hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây TNGT chết người, người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người.
 
Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
 
Như vậy, về nguyên tắc, khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho các chủ thể dân sự thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật bị suy đoán có lỗi trong quản lý phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thế nhưng, việc xử phạt hành chính về lĩnh vực này ở một số địa phương rất khó khăn và hầu như các cơ quan chức năng cũng ít xử phạt trường hợp thả rông trâu, bò trên đường.
 
Trở lại vấn đề trâu, bò thả rông ở các xã nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Minh Hóa, ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: vấn đề người dân thả rông trâu, bò trên địa bàn đúng là một bất cập mà chính quyền địa phương đang rất “đau đầu”.
 
“Thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí là xử phạt nhưng tình trạng thả rông trâu, bò vẫn đang tiếp tục tái diễn. Một trong những nguyên nhân là do tập quán thả rông trâu, bò đã "ăn sâu vào máu” của một số người dân địa phương nên một sớm, một chiều họ chưa thể bỏ được.”, ông Văn chia sẻ.
 
Thiết nghĩ, tình trạng thả rông trâu, bò trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Minh Hóa đã nhiều lần gây TNGT cho người đi đường. Đã đến lúc “hiểm họa” này cần phải được chấm dứt. Chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cứng rắn, đặc biệt là xử lý nghiêm chủ đàn gia súc thả rông theo quy định của pháp luật.
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng dân cư, xây dựng quy ước, hương ước làng bản để người dân thực hiện. Đồng thời, quy hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung, dần xóa bỏ tập tục chăn thả rông đã ăn sâu trong tiềm thức qua bao đời nay của một bộ phận đồng bào nơi đây và đó cũng là nhiệm vụ, là tiêu chí để xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn:baoquangbinh.vn

More