VĂN BẢN MỚI
Thống kê truy cập
Số lượng và lượt người truy cập
-
Online 10
-
Hôm nay 4027
Tổng 2.334.569
WEBSITE SỞ NGÀNH
Minh Hóa chủ động phòng tránh thiên tai
Là một huyện miền núi rẻo cao ở phía tây của tỉnh, địa hình chia cắt bởi khe suối nên huyện Minh Hoá có nguy cơ xảy ra lũ lụt, lũ quét, lốc xoáy và hiện tượng sạt lở ở hai bờ sông suối, các triền đồi núi gây tổn thất về tài sản và tính mạng của người dân.
Trong năm nay, các phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đã được Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) huyện quán triệt cụ thể đến các xã, thị trấn nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản và các công trình công cộng trên địa bàn.
Năm nay, việc phòng tránh để giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, sửa chữa gia cố các công trình trước mùa mưa, khắc phục kịp thời các sự cố do bão lụt gây ra được huyện Minh Hoá xem là biện pháp hữu hiệu nhất.
Đập Ba Nương luôn được gia cố để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. |
Do vậy, ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn đã thực hiện kiểm tra, đánh giá cụ thể khả năng ảnh hưởng do bão lụt đến từng hộ gia đình, qua đó xây dựng phương án để bảo vệ, ứng cứu kịp thời và di chuyển dân, gia súc ra khỏi những vùng có nguy cơ cao. Đó là, các vùng thấp trũng như: Yên Thọ, Cổ Liêm (xã Tân Hoá); Kim Bảng, Tân Lý, Lạc Thiện (xã Minh Hoá); Phú Nhiêu (xã Thượng Hoá).
Các vùng có nguy cơ sạt lở đe doạ đến tính mạng, tài sản của người dân, huyện sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để di dời trước mùa mưa bão như: tiểu khu 4 và tiểu khu 5 (thị trấn Quy Đạt); các thôn Đặng Hóa, Tăng Hóa (xã Hóa Sơn); vùng lở núi đá vôi ở thôn Bình Minh 1 (xã Trung Hóa)... Ở các xã Tân Hoá, Thượng Hoá, Minh Hoá, ngoài các đò, bè và nhà bè của người dân và thôn, bản, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện sẽ bố trí phương tiện, cơ sở vật chất để phục vụ vận chuyển người, lương thực, thuốc chữa bệnh cho người dân kịp thời hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, ở những vùng dễ bị chia cắt như: xã Tân Hoá, Hoá Sơn, vùng đồng bào Rục (xã Thượng Hoá), vùng Lòm (xã Trọng Hoá), chính quyền địa phương cần quán triệt cho người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dầu hoả, bảo đảm từ 10 ngày trở lên, để tránh hiện tượng thiếu đói và dịch bệnh. Ngoài các lực lượng PCLB ở cơ sở, huyện cũng đã thành lập lực lượng cơ động gồm: Công an, Huyện đội, Ban quản lý các công trình công cộng, cũng như phương tiện để ứng cứu kịp thời khi tình huống xảy ra, đồng thời ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng mưa bão gây án, trộm cắp.
UBND huyện cũng đã gửi đi đào tạo lớp lái đò với số lượng 20 người nhằm bảo đảm điều khiển phương tiện cứu hộ khi lũ lụt xảy ra. Đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn (bao gồm công trình thuỷ lợi, dân dụng và giao thông nông thôn), huyện cũng đã có phương án để chống bão lụt, riêng các công trình xung yếu như: đập Ba Nương, Eo Hụ, Khe Sụ, Khe Cái, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện sẽ phân công trách nhiệm cho lực lượng cơ động trực 24/24 giờ trong thời gian xảy ra bão lụt, nhằm sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố và kịp thời di dời dân phía hạ du ra khỏi vùng nguy hiểm.
Với 2 đập thủy lợi lớn là Ba Nương và Khe Sụ-công trình thuỷ lợi liên xã-sẽ có cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trực tiếp “chốt” tại đây, cùng với các xã, thị trấn hưởng lợi bảo vệ an toàn cho công trình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hữu Niên, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, tuy có địa hình rộng và khá phức tạp, trong khi mùa mưa bão đang đến gần nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của các lực lượng PCLB trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ”, công tác PCLB của huyện Minh Hoá sẽ phát huy hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản và tính mạng của người dân.
Bên cạnh đó, huyện Minh Hóa tiếp tục thực hiện hiệu quả “Chương trình hành động chiến lược phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt, đặc biệt là lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện để bảo đảm phát triển bền vững.
Theo: Baoquangbinh.vn