ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 214

  • Tổng 1.529.256

Tiềm năng thế mạnh huyện Minh Hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIỀM NĂNG - THẾ MẠNH HUYỆN MINH HÓA

Minh Hoá là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Phía Tây giáp nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào với 89 km đường biên giới, phía Bắc giáp huyện Tuyên Hoá, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Bố Trạch. Toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 1.410 km2. Dân số trên 49 nghìn người, trong đó, dân số ở độ tuổi lao động trên 27 nghìn người. Minh Hoá có dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với 6.500 người, tập trung ở các xã biên giới (Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá và Hoá Sơn). Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân còn rất nhiều thiếu thốn khó khăn. Tuy vậy người Minh Hoá không chỉ nhận biết cái khó, dám đối mặt với những gian nan vất vả mà còn có tầm nhìn xa, tin tưởng vào những lợi thế của huyện để vươn lên.


Một góc thị trấn Quy Đạt

Minh Hoá là huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Huyện có cửa khẩu quốc tế Chalo - Nà Phàu các đầu mối và tuyến giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh chạy suốt chiều dài của huyện, đường 12C là tuyến đường ngắn nhất nối các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan qua Lào, về QL1A, đến cảng biển Hòn La (Quảng Bình), cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Bên cạnh đó, Minh Hoá còn có nhiều di tích lịch sử như đèo Đá Đẽo, Mụ Dạ, Ngầm Rinh, Khe Ve, Chalo, Cổng Trời…, các khu rừng tự nhiên, sơn thuỷ hữu tình có thể xây dựng thành khu du lịch sinh thái như hang động Tú Làn ở Tân Hóa, Thác Mơ ở Hoá Hợp, Nước Rụng ở Dân Hoá, phía Bắc đèo Đá Đẽo và các hang động ở Thượng Hoá, Hoá Tiến, Hoá Thanh. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất hàng hoá, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế giữa địa phương với các vùng kinh tế trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Phát huy thế mạnh đó, trong những năm qua, Minh Hoá đã từng bước "thay da, đổi thịt", mang trong mình nguồn sức sống mới, sinh lực mới.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, với sự mạnh dạn, bản lĩnh, kinh nghiệm, Minh Hoá đã hoạch định các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Phương hướng cơ bản là chuyển dịch nền kinh tế tự nhiên, còn mang hình thức tự cung, tự cấp thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo mô hình kinh tế gia đình, kinh tế vườn, trang trại. Tập trung quy hoạch, phát triển vùng kinh tế đặc biệt là vùng hành lang đường Hồ Chí Minh, đường QL 12C, tạo sự liên kết kinh tế với các huyện khác và các nước Đông Dương, nhất là với nước Lào... Huyện cũng chú ý đầu tư quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt, nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, chương trình phát triển du lịch, đầu tư nâng cao trình độ văn hoá, xoá mù chữ cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao biên giới.

Với nỗ lực chung đó, đến nay, kinh tế, xã hội của huyện Minh Hóa có những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực.

Công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch được triển khai khá tích cực. Nhiều dự án quy hoạch quan trọng được hoàn thành như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020; Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 – 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 của huyện và của xã; Quy hoạch, giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân trồng rừng sản xuất, quản lý bảo vệ, khai thác rừng có hiệu quả… tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, khu trung tâm, các cụm, điểm tiểu thủ công nghiệp, các khu chức năng, đồng thời làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Tình hình kinh tế - xã hội của huyện giữ được tốc độ tăng trưởng khá qua hàng năm. Kinh tế tăng trưởng bình quân đạt 9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 27,2%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 33,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 39,1% trong tổng giá trị sản xuất). Năm 2011, sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối ổn định. Tổng giá trị sản xuất tăng 14.4% so với năm 2010. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 11,5%, Thương mại, dịch vụ dần đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 19,3%, Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng tăng 11,3% so với năm 2010. Trung tâm thương mại cửa khẩu quốc tế Cha Lo hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành đầu mối quan trọng cho việc giao lưu hàng hóa với các nước Lào, Thái Lan. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi (như hệ thống giao thông, hệ thống lưới điện, thủy lợi, bưu chính - viễn thông, truyền thanh - truyền hình) được đầu tư xây dựng khá nhiều, thông qua lồng ghép giữa thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy với các Chương trình 135, 134, Chương trình kiên cố hóa trường học, Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Những bước phát triển vững mạnh trong kinh tế đã kéo theo sự chuyển biến lớn lao trong văn hoá - xã hội. Đến nay đã có 12/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 15/16 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chú trọng. Cho tới thời điểm này, toàn huyện có 01 Trung tâm Y tế Dự phòng, 01 Bệnh viện đa khoa khu vực, 16/16 các xã, thị trấn có trạm y tế với trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tỷ suất sinh hàng năm giảm từ 0,7 - 0,8%o. Toàn bộ các xã, thị trấn đã được phủ sóng truyền thanh, truyền hình; với gần 1.000 máy điện thoại cố định, mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp toàn huyện. Đến nay, toàn bộ các xã trong huyện đều đã được kết nối mạng internet...

Văn hóa - xã hội có bước phát triển. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Đến nay, Minh Hóa có 100% số xã có trường tiểu học, 70% số xã có trường trung học cơ sở; 75% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, 93,8% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được chú trọng đầu tư, nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia có hiệu quả. Hiện có 12/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ngày càng phong phú và đa dạng; các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư xây dựng, dần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa phát triển rộng khắp và dần đi vào chiều sâu. Công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội đã được quan tâm, chăm lo. Tính đến cuối năm 2010, thông qua triển khai thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và lồng ghép các chương trình, dự án… đã giải quyết vốn vay giải quyết việc làm, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ sản xuất và nhà ở đối với người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa với tổng kinh phí trên 50 tỉ đồng.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn ngày càng được giữ vững. Cụ thể:

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, chú ý khôi phục và phát triển các nghề truyền thống. Giá trị sản xuất CN - TTCN hàng năm tăng khá. Công tác xây dựng cơ bản có nhiều tiến bộ, trung bình hàng năm huyện đã tiến hành xây dựng mới trên 50 hạng mục công trình lớn nhỏ. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, từng bước được tăng cường, phát triển, khai thác có hiệu quả lợi thế của cửa khẩu Chalo, của hệ thống đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á.

Khuyến khích, động viên và hỗ trợ các thành phần kinh tế, các địa phương thực hiện chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có hiệu quả. Hướng phát triển chủ yếu của huyện là phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ sửa chữa cơ khí nhỏ được huyện tập trung chỉ đạo nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, Huyện còn đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất, nhằm tạo ra hàng hoá có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trên địa bàn. Các ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, sản xuất sản phẩm được tập trung phát triển như chế biến nông lâm sản, dịch vụ sửa chữa cơ khí nhỏ, hàng mộc dân dụng, hàng thủ công mỹ nghệ, nuôi ong, trồng nấm... Từ đó, tìm được thị trường tiêu thụ, thu hút được lao động. Tập trung sản xuất các sản phẩm, VLXD như đá, cát, sạn, gia công bao bì, đóng gói các sản phẩm xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chalo. Duy trì tốc độ tăng trưởng TTCN và ngành nghề nông thôn, phấn đấu giá trị sản xuất ngành CN - TTCN và ngành nghề nông thôn đều đạt cao.

Nông - Lâm nghiệp

Ở những vùng có điều kiện sản xuất lương thực đã tăng cường thâm canh, mở rộng tối đa diện tích lúa ở nơi có điều kiện thủy lợi, đưa các giống lúa, ngô năng suất cao để đảm bảo an ninh lương thực; những vùng không có khả năng phát triển cây lương thực thì phát triển cây có củ, quả có chất bột vừa có thể thay lương thực, thực phẩm vừa làm hàng hóa như sắn, khoai lang và các loại cây khác như: khoai môn, khoai từ, tía, dong riềng, sắn dây để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

Nông nghiệp đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá, tập trung phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu và cây lương thực, nhất là cây ngô. Thực hiện tốt việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng được bố trí ngày càng hợp lý, có chính sách hỗ trợ giống và đầu tư thuỷ lợi, phân bón, gieo trồng bằng các loại giống mới có năng suất cao. Diện tích gieo trồng hàng năm giữ mức ổn định, năng suất, sản lượng đạt kế hoạch đề ra, bảo đảm được an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong tương lai, ngành Nông - Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ vào sản xuất, tập trung vào khâu giống cây trồng,vật nuôi, chế biến nông sản.

Đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng là thế mạnh của địa phương như cây ngô, cây lạc; đặt ra chỉ tiêu đến năm 2015 đưa sản lượng ngô đạt khoảng 5.940 tấn; đến năm 2015 sản lượng lạc đạt khoảng 4.600 tấn. Khuyến khích trồng các loại cây họ đỗ, mây tắt… để khai thác tốt hiệu quả đất đai. Thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả.

Đẩy mạnh trồng, phát triển cây cao su, phấn đấu đến năm 2015 đạt tổng diện tích trên 1.102 ha. Bằng biện pháp tận dụng các quỹ đất chưa được khai thác và chuyển đổi các loại đất đang trồng các loại cây trồng khác kém hiệu quả. Chú trọng thâm canh, tăng năng suất cây hồ tiêu; nhân rộng một số loại cây ăn quả đã được xác định có hiệu quả kinh tế như: vải thiều, nhãn, chuối … xác định quỹ đất, tạo điều kiện định hướng cho nhân dân, các doanh nghiệp phát triển cây công nghiệp dài ngày.

Tiếp tục cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, nạc hoá đàn lợn, phát triển đàn trâu và gia cầm, tạo chuyển biến rõ rệt trong ngành chăn nuôi, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Đặc biệt, huyện có chính sách hỗ trợ nông dân về đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho nông dân yên tâm, hăng hái chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Diện tích khoanh nuôi tiếp tục được mở rộng. Công tác bảo vệ rừng, trồng rừng nhất là trồng rừng kinh tế, phát triển mạnh các loại cây nguyên liệu. Huyện có chính sách hỗ trợ hợp lý trong quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và chăn nuôi để nhân dân có thu nhập, gắn sản xuất với bảo đảm đời sống, từ đó, tăng khả năng bảo vệ rừng.

Thương mại – Dịch vụ - Du lịch 

Phát huy lợi thế về du lịch, Huyện sẽ chú trọng việc tôn tạo các di tích lịch sử như: Cổng Trời, đèo Mụ Dạ, trận địa Nguyễn Viết Xuân, cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đèo Đá Đẽo, ngầm Rinh, Khe Ve, khu du lịch sinh thái thác Mơ, đình Kim Bảng, thác Bụt, giếng Tiên và các hang động Tú Làn, Tố Mộ để thu hút du khách. Với những cảnh quan và địa danh sẵn có, trong tương lai, Minh Hóa sẽ là điểm đến lý tưởng về du lịch văn hóa, sinh thái và hang động. Tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư, phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong tỉnh để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, Huyện từng bước xây dựng hệ thống các dịch vụ, tour du lịch khép kín Nhật Lệ - Đá Nhảy - Cảng biển Hòn La - cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Thác Mơ - Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Nhật Lệ; xây dựng các tour du lịch miền Trung Việt Nam - Trung Lào - Đông Bắc Thái Lan. Hiện nay, công ty TNHH MTV Chua Me Đất ( Bố Trạch - Quảng Bình) đang tiến hành khảo sát, đầu tư Dự án phát triển du lịch văn hóa, sinh thái Khám phá và Bảo tồn hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa. Đối với thương mại, dịch vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu đời sống xã hội, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng... Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hoá để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Từ đó, từng bước mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực Đông Dương, nhất là các nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan, trên cơ sở phát huy lợi thế, hiệu quả của tuyến đường xuyên Á, cảng Hòn La, cảng Vũng Áng.


Động Tú Làn

Văn hoá - xã hội

Trong tương lai, Minh Hoá sẽ đẩy mạnh tiến độ thực hiện phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Phấn đấu đến cuối năm 2015 huyện sẽ đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Tiểu học, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, tiến hành phổ cập THPT ở những nơi đã hoàn thành phổ cập THCS. Đối với y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2015, hơn 75% dân số trong huyện được sử dụng nước sạch, hạ thấp tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, 100% trẻ em được tiêm chủng, 100% các bệnh xá, trạm xá có nhà kiên cố. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ bảo đảm các trạm xá xã đều có bác sĩ. Trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể thao, huyện sẽ củng cố, phát triển nâng cao chất lượng văn hoá thông tin và thể dục thể thao rộng khắp trong quần chúng nhân dân. Xây dựng trạm phát lại truyền hình ở các cụm xã. Các phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, gia đình thể thao được phát động mạnh mẽ.

Chính sách kêu gọi đầu tư của huyện

Trước xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, huyện Minh Hoá đã khẩn trương xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có của mình. Ngoài những chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh Quảng Bình, Huyện còn có thêm những chính sách ưu đãi đặc biệt, cụ thế đối với các nhà đến đầu tư sản xuất ở huyện.

Chính sách ưu đãi

Huyện sẽ áp dụng mức thuế đất ở khung thấp nhất mà Nhà nước quy định. Miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất và tiền thuế sử dụng đất, theo mức tối đa quy định của tỉnh.Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước thuận lợi cho việc triển khai dự án. Thực hiện lồng ghép, nâng cao hiệu quả các chương trình dự án đã được đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án tiếp theo. Tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn để phát triển sản xuất.Thực hiện tốt cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất về giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng một cách thuận lợi nhất, đúng tiến độ cho các nhà đầu tư. Hỗ trợ tối đa kinh phí giúp đào tạo tay nghề cho người lao động.

Cùng với việc phát huy những lợi thế, tiềm năng của mình, hoạch định mục tiêu, chiến lược của huyện trong tương lai thực sự là những bước đi vững chắc, đúng hướng. Tất cả vẫn còn ở phía trước. Nhưng chúng ta có cơ sở để đặt trọn niềm tin vào sự phát triển, chuyển mình và cất cánh ở mảnh đất rẻo cao, anh hùng này.

Nguồn: Văn phòng HĐND&UBND huyện Minh Hóa