ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 118

  • Tổng 1.529.160

Minh Hóa với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nói đến Minh Hoá là người ta nghĩ ngay đến một vùng đất còn lưu giữ nhiều loại hình văn hoá đặc sắc, là quê hương của "chè xanh mật ngọt" với những câu dân ca mộc mạc và lễ hội Rằm tháng ba nổi tiếng được tổ chức hàng năm. Từ trong đời sống sinh hoạt và phong tục tập quán của người dân nơi đây đã tạo nên những nét văn hoá mang đậm dấu ấn của làng quê vùng sơn cước.

Minh Hóa - vùng đất của những câu dân ca ra đời từ trong lao động, trong cuộc sống sinh hoạt của người dân ở các bản, làng. Và điều đáng mừng là trải qua thời gian, nhiều địa phương trên địa bàn huyện vẫn gìn giữ và truyền tụng nhiều thể loại dân ca như hò thuốc, hát đúm, ví, hát nhà trò, hát ru...

Xã Yên Hóa- địa phương được xem là cái nôi của các làn điệu dân ca xứ núi và nổi tiếng nhất là thể loại hát nhà trò, một hình thức hát múa dân gian của người Nguồn Minh Hóa. Từ chỗ say mê hát, người dân trong xã đã thành lập được câu lạc bộ văn nghệ dân gian để những "nghệ nhân làng" gặp gỡ, sinh hoạt và truyền tụng những tinh hoa văn hóa làng cho muôn đời sau. Mỗi năm, vào dịp hội Rằm tháng ba hay các lễ trọng khác, Câu lạc bộ luôn tham gia biểu diễn phục vụ bà con, là một trong những điểm nhấn trong phong trào văn hóa văn nghệ của huyện nhà.

Minh Hóa nổi tiếng với hội Rằm tháng ba thu hút rất đông khách thập phương đến dự. Người ta đi hội rằm không chỉ để ngắm trăng, thưởng thức những món  ăn dân dã mà còn để được nghe, tìm hiểu về làn điệu hò thuốc cá (hò thuốc) bởi đây được xem là làn điệu dân ca đặc trưng của người Nguồn. Hò thuốc ra đời bắt nguồn từ nghề thuốc cá tập thể khi giã, hoặc đâm nhỏ rễ cây "tèng" rồi chế thành thuốc thả xuống khe, suối để bắt cá. Hò thuốc có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp chày giã thuốc.

Đi cà kheo, một trò chơi dân gian vẫn đang được lưu giữ trong các dịp lễ hội ở Minh Hóa. Ảnh: T.H
Đi cà kheo, một trò chơi dân gian vẫn đang được lưu giữ trong các dịp lễ hội ở Minh Hóa. Ảnh: T.H

Ngày nay, hò thuốc được diễn xướng trong các cuộc hội hè, đình đám như lễ hội, đám cưới và cả khi ru con. Phần hò và xô vẫn được diễn xuất như khi hò trong lao động chỉ khác động tác giã tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của mọi người trong cuộc vui. Khi ru con, người Minh Hóa chỉ sử dụng lời hò với những câu hát mộc mạc như: "Con bướm chừ nó đậu rừng côi rừng. Lấy nhau chừ không được, xin đừng tăm tiếng tăm".

Đúm và ví là  hình thức hát giao duyên phổ biến ở Minh Hóa. Với đặc trưng là thể loại hát giao duyên, nhịp điệu nhẹ nhàng nên trong các cuộc hát đúm, ví thu hút rất đông người đến xem và cổ vũ. Mở đầu cuộc hát là sự bày tỏ "tưởng ngờ gặp nhau" và mời nhau "cất lời lên"  rồi cuộc hát cứ thế kéo dài với những ca từ chứa đựng các cung bậc tình cảm của đôi trai, gái... Ngoài ra, ở Minh Hóa còn tồn tại các làn điệu dân ca như hát sắc bùa thường được tổ chức vào dịp Tết để chúc mừng năm mới và hát ru, hát bội, hát kiều... cùng nhiều hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo khác. Các giá trị đó luôn được người dân Minh Hóa gìn giữ, lưu truyền, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của quê hương.

Cùng với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, toàn huyện còn tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, bản, khu phố, đơn vị văn hoá. Đến nay, 100% xã, thị trấn ở Minh Hoá đều có thôn, bản được công nhận làng văn hoá, 100% khu dân cư đăng ký thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", 82% tổng số hộ gia đình đăng ký cam kết thực hiện chương trình "5 xây, 5 chống" với mục tiêu xây dựng khu dân cư ổn định về chính trị, phát triển về văn hóa, xã hội.

Từ các phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện và nâng cao. Phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng được đảng bộ, nhân dân Minh Hoá quan tâm, đầu tư, phát triển. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" Minh Hoá đã đầu tư, xây dựng, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, trường học, trạm xá, chợ, nhà văn hoá... 16/16 xã, thị trấn ở Minh Hoá đã có đường ô tô về tận trung tâm xã, 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Hệ thống trường học trên địa bàn huyện được xây dựng kiên cố.

Bên cạnh đó, các cấp uỷ đảng, chính quyền ở Minh Hoá luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở Minh Hoá đã có nhiều tiến bộ so với các năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng được giảm xuống đáng kể. Toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn có trạm y tế, 100% thôn, bản có cán bộ y tế để trực tiếp hướng dẫn người dân những kiến thức về bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên các khu dân cư của huyện luôn được giữ vững. Đến nay, huyện có 32/135 thôn, bản, tiểu khu được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Huyện cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 24/1998 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, 95/153 hương ước đã được huyện phê duyệt. Một điều dễ nhận thấy là từ khi triển khai và thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tạo nên những phong trào thi đua nhằm thúc đẩy huyện nhà phát triển trên các lĩnh vực.

Kết quả của phong trào đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát huy nội lực của nhân dân  để từ đó làm nảy sinh hàng loạt phong trào, việc làm đầy ý nghĩa, xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội. Các tệ nạn xã hội ngày càng được hạn chế và đẩy lùi, cảnh quan môi trường ở các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị luôn bảo đảm tiêu chí "xanh, sạch, đẹp". Trong các gia đình, ông, bà, cha, mẹ luôn nêu cao gương sáng cho con, cháu noi theo. Tình làng nghĩa xóm luôn được thắt chặt, tinh thần tương thân tương ái được củng cố và phát huy.

Phong trào thể dục thể thao ở Minh Hóa cũng có những bước chuyển đáng mừng. Hiện tại 16/16 xã/thị trấn đã có quy hoạch đất dành cho hoạt động thể dục thể thao với tổng diện tích 47 ha nhằm đa dạng hóa các loại hình thể dục thể thao quần chúng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa thể dục, thể thao. Tại các xã, thị trấn, nhân dân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng thiết chế văn hóa, tổ chức lễ hội, thi đấu các giải thể thao.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Minh Hóa đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 75% số hộ gia đình trên toàn huyện đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 45% số thôn, bản đạt danh hiệu làng văn hóa, 45% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận là đơn vị văn hóa. Để đạt được các mục tiêu trên, toàn huyện sẽ triển khai có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" nhằm tạo nên những bước chuyển mới trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.

Theo:baoquangbinh.vn

Các tin khác