ĐẤU THẦU - MUA SẮM CÔNG
Đoàn thể

Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 1124

  • Tổng 1.526.424

Hò thuốc cá-làn điệu dân ca đặc sắc của người Nguồn

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hò thuốc cá là một điệu hò có liên quan mật thiết đến cuộc sống lao động, sản xuất của người Nguồn huyện Minh Hóa. Từ xa xưa, cuộc sống của người Nguồn huyện Minh Hóa chủ yếu là săn bắt, phát rừng làm nương rẫy, đánh ong lấy mật và thịnh hành nhất phải kể đến nghề thuốc cá. Trong quá trình lao động, điệu hò thuốc cá dần dần xuất hiện và đã được lưu truyền cho đến ngày nay.

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội Di sản huyện Minh Hóa cho biết, mỗi lúc đi thuốc cá, người Nguồn đi từng đoàn lên đầu nguồn các con suối, con khe, nơi có những tảng đá lớn làm bệ, rồi lấy đá xây lại thành cái cối, sau đó dùng gốc cây, vạt hai đầu làm chày, đâm vào cối đựng một loại rễ cây có độc tố họ tìm chặt trong rừng về (thường là rễ cây tèng, có nhiều ở rừng Minh Hóa). Vừa đâm chày, họ vừa hò hát theo nhịp để động viên nhau, quên mệt nhọc. 
 Trong quá trình lao động, họ đã hò hát theo nhịp đâm chày tập thể để động viên nhau, quên mệt nhọc và thời gian, từ đó hò thuốc cá ra đời.
Trong quá trình lao động, họ đã hò hát theo nhịp đâm chày tập thể để động viên nhau, quên mệt nhọc và thời gian, từ đó hò thuốc cá ra đời.
Theo ông Đinh Xuân Đình, không như ở miền xuôi hay ở một số vùng miền khác, khi giã gạo (hay giã bánh), người ta thường dùng cối đá nhỏ và chỉ có hai hoặc ba người thay nhau giã chày, người này giơ chày lên, người khác thả chày xuống, mà ở đây, người dân (cả nam và nữ) cùng giã một lúc, cùng giơ lên, cùng hạ xuống, nên tùy theo số lượng người giã thuốc càng đông thì họ xếp cối càng rộng.
 
Xếp cối xong, họ lấy rễ cây tèng đã được ủ chín bỏ vào cối, rồi chặt những cây rừng thẳng, to vừa tay cầm, vát nhọn một đầu để làm chày giã thuốc. Họ giã cho nước rễ cây tèng chảy ra, hòa vào dòng nước, làm cho cá bị mờ mắt mà chết, nổi lên mặt nước để họ có thể bắt dễ dàng.
 
Ngoài loại rễ cây tèng, người ta cũng dùng rễ cây hôi hôi và lá cây cơn cơn (mọc bên suối) để làm thuốc đánh cá, hai loại cây này thường được sử dụng vào mùa hạ, mùa thu, được lấy về sử dụng ngay chứ không ủ chín như rễ cây tèng.
 
Có một điều đặc biệt là các loại cây có độc tố này chỉ làm cho riêng một số loài cá bị say, bị chết, nhưng lại vô hại đối với các loài thủy sản khác (như cá lóc, cá chạch, lươn, ốc…), kể cả con người khi ăn cá cũng không hề bị ảnh hưởng gì. Khi cá bị bắt hết, thì độc tố của rễ cây cũng không còn ảnh hưởng gì dòng nước nữa.
 
Để cho động tác giã thuốc thật nhịp nhàng, đều đặn và để tạo không khí vui tươi, quên đi mệt nhọc, người ta cất lên tiếng hò. Đối qua, đáp lại, trải qua thời gian, nội dung của điệu hò thuốc cá ngày càng phong phú: "Giã (đâm) tèng thì giã cho sòng. Để cho cá chết đầy sông đầy bờ. Giã (đâm) tèng thì giã cho sòng. Đến khi chia cá nhớ công đâm tèng."
 
Do hò thuốc cá có đặc tính dễ hát, dễ thuộc, mang tính tập thể cao, có không khí rộn ràng… nên ai cũng có thể hò được. Chỉ cần có người xướng lên và có người cùng hòa nhịp để xô, là người ta lập tức bị cuốn vào một cách tự nhiên, không e dè, câu nệ và cũng từ điệu hò ban đầu, nội dung chính gắn với công việc giã thuốc cá, dần dần, người ta còn đưa vào nhiều nội dung khác, xuất hiện thêm những dị bản khác, đó là đối đáp giao duyên nam nữ rất tình tứ (đã có nhiều trai thanh, nữ tú mê câu hát “hôi lên” mà kết thành đôi lứa, thành vợ thành chồng): "Trời mưa nước chảy quanh hồi (đầu nhà). Anh không lấy vợ ai đâm bồi anh ăn?" 
Việc thành lập các câu lạc bộ giúp bảo tồn và vực dậy các giá trị văn nghệ dân gian ở huyện Minh Hóa.
Việc thành lập các câu lạc bộ giúp bảo tồn và vực dậy các giá trị văn nghệ dân gian ở huyện Minh Hóa.
Hay: "Chợ tình đôi lứa cùng nhau. Xe duyên chồng vợ tình sâu mặn nồng". Đi đôi với tình yêu nam nữ, hò thuốc cá còn được sử dụng vào những công việc lao động tập thể nặng nhọc, như đầm đất thủy lợi, giao thông, đầm nền nhà, sân phơi..., ca ngợi quê hương, làng bản: "Ai lên Minh Hóa mình quê mình (hôi lên là hôi lên). Chè xanh mật ngọt (hôi lên là hôi lên) đậm tình hương quê hương (hôi lên là hôi lên)".
 
Trong hò thuốc cá, người ta dùng cụm từ “hôi lên là hôi lên” để tất cả cùng xô, nên có khi, người ta cũng gọi hò thuốc cá là “hò hôi lên” và do việc sử dụng các loại cây có độc tố để làm thuốc đánh cá, người ta muốn gọi ngắn gọn, nên hò thuốc cá còn có tên gọi khác là “hò thuốc” hoặc “đi thuốc”.
 
Cũng như phần lớn các điệu hò lao động ở các vùng, miền trong cả nước, hò thuốc cá cũng có vế kể (một người) và vế xô (nhiều người). Lời ca của hò thuốc cá sử dụng thể thơ lục bát (6/8) và khi hát, người ta có cách phổ thơ vào một điệu nhạc như sau: cứ sau một câu lục-câu 6 (kể), người ta chen một câu xô trước khi vào câu bát-câu 8. Cũng có khi, trong câu 6, người hò cái chỉ hò 4 từ đầu của câu, rồi ngắt để hò xố: "hôi lên là hôi lên" và sau đó hò tiếp 2 từ còn lại để hò xố: "hôi lên là hôi lên" rồi mới hò tiếp vào câu 8.
 
Trong câu 8 cũng vậy, có khi người hò cái hò 4 từ một, cùng với từ đệm, tất cả hò xố:"hôi lên là hôi lên" hoặc hò 2 từ một, cùng với từ đệm để hò xố "hôi lên là hôi lên" kết thúc cho một câu hò (trường hợp này, trong câu 8 đã có đến 4 lượt xố con "hôi lên là hôi lên" mới kết thúc câu hò)...
 
Người con trai: "Bên anh hò thuốc trồng cây trồng (hôi lên là hôi lên). Thấy em thơ thẩn (hôi lên là hôi lên) hay mơ màng ai với ai (hôi lên là hôi lên)". Người con gái không trả lời thẳng câu hỏi của người con trai mà đáp lại bằng một câu rất khôn khéo: "Nắng mưa thì giếng đầy năng đầy (hôi lên là hôi lên). Anh năng lui tới (hôi lên là hôi lên) mẹ thầy thương năng thương (hôi lên là hôi lên)."
 
Nhờ giai điệu đơn giản, lời ca mộc mạc, có không khí rộn ràng, dễ vận dụng với khổ thơ lục bát và với bất cứ nội dung nào, nên dần dần, điệu hò thuốc cá không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một vài xã lân cận, mà còn lan rộng ra toàn huyện. Ông Đinh Xuân Đình cho biết thêm: Để bảo tồn và vực dậy các giá trị văn nghệ dân gian, đặc biệt là hò thuốc cá, UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện phối hợp đưa hò thuốc cá vào trường học, đồng thời thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian trong cộng đồng.
 
Hiện nay, đã có 6 CLB đàn hát dân ca ở các xã Xuân Hóa, Yên Hóa, Trung Hóa, Hóa Hợp, Hồng Hóa, thị trấn Quy Đạt và 3 CLB trẻ trong trường học với hàng trăm thành viên. Khi nhàn rỗi, họ lại cùng nhau tập trung để được ngân nga các làn điệu dân ca của quê hương mình.
 
Làn điệu hò thuốc cá huyện Minh Hóa là một nét văn hóa rất riêng của người Nguồn, phản ánh được tâm tư, khát vọng sống của đồng bào nơi đây một cách chân thực, sống động. Những giai điệu đơn sơ, mộc mạc cứ ngân nga, bay qua đồi núi trập trùng, vượt qua mưa nguồn, thác lũ, thấm đẫm vào lòng người một sự tươi mới, dung dị, hồn nhiên; là một nét chấm phá trong bức tranh âm nhạc dân gian của vùng đất Quảng Bình đầy nắng gió… Giai điệu ấy, câu ca ấy cứ vấn vương, vang vọng mãi với cuộc đời: “Đâm (ơ) tèng (hơ) thì đâm (sòng) cho sòng. Hôi lên là hôi lên…”.
Trích trong bài "Điệu Hò thuốc cá của người Nguồn ở Quảng Bình" của tác giả: Dương Bích Hà.

Các tin khác